Bọ trĩ gây hại làm cho đầu lá lúa bị cuốn lại, lá héo, tóp lại và khô vàng đi. Lúa bị bọ trĩ hoa không thể thụ phấn được, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng trong giai đoạn đầu của lúa.
Đặc điểm hình thái của bọ trĩ
- Trứng: Hình bầu dục, khi mới đẻ có màu trong suốt, lúc sắp nở có màu vàng nhạt.
- Sâu non: Mới nở thân có màu trong suốt, sau lần lột xác thứ nhất có màu vàng nhạt. Cơ thể hình ống, râu dài không quá ½ cơ thể, đầu nhỏ hơn ngực.
- Nhộng: Màu vàng sẫm, không di chuyển. Giai đoạn này phần phụ nhìn thấy rõ, cánh kéo dài tới đốt bụng thứ 4. Thường hoá nhộng ngay trong những lá đã cuốn lại.
- Trưởng thành: Dài 1 – 2mm. Khi mới vũ hoá có màu nâu sáng, sau có màu đen bóng, rất nhanh nhẹn, thường bò cong bụng trên mặt lá. Râu đầu hình chuỗi hạt 7 đốt, đốt gốc to hơn các đốt khác. Đầu hơi giống hình chữ nhật, mắt kép bé. Con đực có kích thước nhỏ hơn con cái. Trưởng thành đẻ trứng rải rác trong mô lá.
Bọ trĩ chủ yếu sinh sản theo phương thức đơn tính, tỷ lệ cái/đực thường rất lớn (trên 95%). Con cái trưởng thành đẻ khoảng 3 – 160 trứng, trong 5 – 7 ngày, nhiều nhất là ngày thứ 2, 3, 4. Một năm phát sinh 8 – 10 lứa, lứa 1 và 2 phát sinh trên cỏ. Lứa 3 và lứa 6 là quan trọng nhất.
Bọ trĩ trưởng thành và sâu non đều hút nhựa lá và hoa làm cho lá có màu vàng đỏ, cây lúa sinh trưởng còi cọc, hoa lúa không thụ phấn được nên hạt bị lép, sản lượng bị giảm sút nghiêm trọng. Khi mật độ thấp xuất hiện những chấm nhỏ xếp theo hàng dọc trên lá, lá non hầu như bị quăn lại, không hồi phục được. Bọ trĩ gây hại ngay khi cây lúa có lá thật, mật độ tăng dần từ giai đoạn lúa hồi xanh đến đẻ nhánh, sau đó giảm dần tới lúc lúa trỗ vì lá lúa cứng không thích hợp cho bọ trĩ gây hại
Nhiệt độ thích hợp để bọ trĩ phát sinh phát triển từ 15 – 25ᵒC, thích hợp gây hại lúa Đông Xuân đầu vụ, vì thời gian này ít mưa hoặc chấm dứt mưa. Mưa làm giảm rõ rệt số lượng bọ trĩ, đặc biệt là bọ trĩ trưởng thành. Quần thể bọ trĩ phát triển mạnh ở những năm hạn hán, con trưởng thành có khả năng kháng thuốc cao.
Bọ trĩ gây hại ở khắp các vùng trồng lúa trong nước và trên thế giới, lúa sạ bị hại nặng hơn lúa cấy.
Bọ trĩ gây hại trên lúa
Triệu chứng:
Bọ trĩ phát sinh gây hại từ khi cây lúa mới mọc đến đẻ nhánh mật độ bọ trĩ tăng cao, sau đó khi cây lúa bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái mật độ giảm dần vì lá lúa cứng không thích hợp cho bọ trĩ gây hại. Bọ trĩ xuất hiện nhiều khi ruộng khô, gây hại làm cho đầu lá lúa quắn lại và biến màu vàng. Khi trời mưa bọ trĩ giảm số lượng rõ rệt, nhất là giai đoạn bọ trĩ lớn. Bọ trĩ gây hại làm lá bị cuốn lại ở chóp, lá héo, tóp lại và khô vàng đi. Đặc biệt gây hại nặng ở các ruộng thường xuyên khô hạn, thiếu nước.
Cách nhận biết:
Có nhiều triệu chứng lúa bị vàng đọt giống bọ trĩ gây hại, nên cần nhận biết bọ trĩ để xác định vì chúng rất nhỏ. Nhận biết bằng cách đặt lòng bàn tay xuống nước cho ướt rồi dùng lòng bàn tay quét trên ngọn các cây lúa, nếu thấy nhiều con bọ trĩ bám trên tay thì đó là những nơi có mật độ bọ trĩ cao cần phải phun thuốc trừ ngay.
Biện pháp phòng trừ bọ trĩ
– Làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng.
– Sử dụng thuốc chuyên dùng xử lý giống trước khi sạ để cây mạ xanh và khỏe hạn chế bọ trĩ gây hại.
– Sau sạ 5 ngày vô nước lấy ngót để ruộng luôn đủ ẩm không bị khô trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
– Bón phân sau sạ 10 ngày và giữ nước liên tục 3 cm trong giai đoạn lúa đẻ nhánh.
– Sau khi bón phân được 4 ngày thì tiến hành phun Platimula tăng cường sức sống để giúp cây lúa đẻ nhánh tối đa cho chồi hữu hiệu, tạo bộ rễ phát triển mạnh, đồng thời giúp cây lúa khỏe hạn chế được bọ trĩ gây hại.