Bệnh thối ướt củ khoai tây

Vụ Đông là vụ chính của cây khoai tây. Do đặc điểm mùa đông nước ta có nhiều diễn biến, nhiệt độ thấp, mưa thâm kéo dài. Đây là điều kiện lý tưởng để các loại nấm bệnh phát triển gây hại khoai tây. Trong đó, bệnh thối ướt củ là loại bệnh phổ biến.

Nguyên nhân gây bệnh thối ướt củ trên khoai tây

Bệnh thối ướt củ khoai tây chủ yếu do một loại vi khuẩn mang tên Erwinia carotovora spp gây ra. Loại nấm này thường trú ngụ sẵn trong đất do tàn dư của củ từ các vụ mùa trước.

Khi gặp điều kiện thuận lợi như độ ẩm cao, mưa nhiều chúng sẽ phát triển và xâm nhập vào củ thông qua các vết xây xát, tổn thương trên bề mặt củ hoặc tấn công trực tiếp vào các mắt củ. Chúng cũng có thể xâm nhập vào củ khoai tây qua rễ hoặc qua các vết thương cơ học do cắt tỉa, thu hoạch hoặc va đập. Khi vi khuẩn xâm nhập, chúng sẽ phân hủy mô củ khoai tây, gây ra hiện tượng thối nhũn ướt.

Triệu chứng khoai nhiễm bệnh thối ướt

Bệnh thối ướt củ biểu hiện trên cả lá và củ

Đối với các cây trên đồng ruộng chưa cho thu hoạch, cây bị bệnh thường có biểu hiện lá chuyển sang màu vàng, cây trở nên cằn cỗi và ngưng phát triển.

Khi tiến hành kiểm tra phần củ bà con sẽ thấy phần thịt củ bên trong sẽ bị phân hủy, có màu xám hoặc nâu, và có sự xuất hiện của các vết thối ướt. Củ có thể bị rỗng và mềm, rất dễ vỡ ra.

Những củ khoai tây bị thối ướt có thể phát ra mùi hôi khó chịu do sự phân hủy của vi khuẩn và nấm gây bệnh.

Phòng trị bệnh thối ướt củ khoai tây

Vì bệnh thường gây hại và phát sinh trong quá trình gần cho thu hoạch và bảo quản nên bà con không nên sử dụng các loại thuốc hoá học để xử lý nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vào đó, bà con nên sử dụng các phương pháp thủ công.

Trên đồng ruộng nếu xuất hiện cây bị bệnh bà con thực hiện nhổ bỏ và có thể sử dụng vôi rắc vào nơi vừa nhổ bỏ. Ngoài ra nếu trong quá trình bảo quản bà con cũng có thể dùng vôi để khử trùng và hạn chế mầm bệnh lây lan

Do nấm bệnh tồn tại trú ngụ trong đất và tàn dư cây bệnh trước để lại nên trước khi gieo vụ mới, bà con nên dọn sạch vườn, bón vôi hoặc Sunfat đồng với liều lượng 3-4kg/1000m2 để làm sạch đất.

Sau khi thu hoạch, củ bị bệnh vẫn có thể lây lan bệnh sang củ khác nên bà còn cần chú ý trong khâu bảo quản. Bà con có thể thực hiện ngâm củ trong nước vôi 20% hoặc dung dịch Boocdo 1% trong 5-10 phút trước khi bảo quản. Sau đó đem đi phơi nắng nhẹ, để ráo rồi mới đưa lên giàn để bảo quản.