Bệnh đốm lá trên cây lạc (đậu phộng)

Bệnh đốm lá là một trong những bệnh phổ biến trên cây lạc (đậu phộng), bệnh dễ phát sinh trong điều kiện độ ẩm không khí cao. Bệnh đốm lá khiến lá cây xuất hiện các đốm nâu hoặc đen, khi bệnh tiến triển nặng trên cây con có thể khiến cây chết, giai đoạn ra hoa, gây hoa bất thụ, ảnh hưởng nặng nề tới năng suất cây trồng.

Bệnh đốm lá trên cây lạc do đâu?

Bệnh đốm lá trên cây lạc gồm hai loại là bệnh đốm nâu lạc (bệnh đốm lá sớm), bị gây ra bởi nấm Cercospora Arachidicola. Nấm sinh trưởng và tăng trưởng thích hợp nhất ở nhiệt độ 25 – 280C, nhiệt độ tối thiểu là 5 – 100C, tối đa là 33 – 360C.

Loại thứ hai là bệnh đốm đen hại lạc (bệnh đốm lá muộn), gây ra Cercospora Personata. Nấm sinh trưởng thích hợp nhất ở nhiệt độ 25 – 300C, nhiệt độ tối thiểu là 100C và tối đa là 33 – 360C.

Biểu hiện bệnh đốm lá trên cây lạc

Bệnh đốm nâu lạc (Bệnh đốm lá sớm)

Bệnh đốm nâu lạc – đốm lá sớm gây hại chủ yếu trên lá, rất ít khi gây hại cuống lá, thân cành. Bệnh thường gây ra các tổn thương có màu nâu (đốm) được bảo quanh bởi những quầng vàng sáng đối với mặt lá trên. Các đốm có hình tròn hoặc hình trụ, kích thước từ 1-10mm, ban đầu màu nâu nhạt sau chuyển sang màu nâu đỏ hoặc nâu sậm. Mặt dưới lá vết bệnh có màu nhạt hơn. Trên bề mặt vết bệnh thường có nấm mốc màu xanh xám.Bệnh có thể suất hiện sớm nhất khi lạc sau trồng khoảng 20-30 ngày. Các đốm lá sớm tạo ra các chùm lông màu bạc. 

Bệnh đốm lá sớm làm lá mau biến vàng và rụng đi. Các lá phía dưới bị bệnh trước sau lan lên các lá phía trên, khi còn là cây con, nếu bệnh tiến triển nặng có thể gây chết cây.

Bệnh đốm đen hại lạc (Bệnh đốm lá muộn)

Khác với bệnh đốm lá sớm chủ yếu gây hại trên lá, bệnh đốm đen hại lạc phát sinh trên cả lá và thân, đặc biệt là từ lớp lá dưới gốc rồi lan dần lên phía trên. Ban đầu, vết bệnh nhỏ màu nâu và sau đó trở thành vết lớn màu nâu đen, có hình tròn kích thước từ 1-5mm, xếp thành các đường vòng đồng tâm, có viền trũng màu vàng nhạt quanh đốm bệnh.

Phòng trừ bệnh đốm lá trên lạc

  • Để phòng bệnh đốm lá trên lạc, bà con cần thu dọn tàn dư mùa trước trước khi gieo trồng vụ mới.
  • Chọn giống tốt, kháng bệnh
  • Trên thửa ruộng nên trồng luân canh với các loại mía, ngô… không trồng luân canh với cây họ đậu.
  • Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm bệnh.
  • Tưới nước cho cây trong suốt mùa sinh trưởng để làm ẩm lớp đất trên cùng từ 15 đến 20cm, đặc biệt là trong mùa hè khô hạn và nên để đất khô trước khi tưới lại, song chú ý chỉ tưới gốc cây, tránh tưới lên lá bởi bệnh sinh trưởng trên lá trong điều kiện ẩm ướt.
  • Khi xuất hiện bệnh, bà con dùng thuốc có hoạt chất Tricyclazole 500g/Kg + Tebuconazole 250g/Kg) để phun trị bệnh.