Phòng trị sâu đục thân bốn vạch đầu nâu trên mía

Sâu đục thân bốn vạch đầu nâu có tên khoa học là Chilo tumidicostalis Hampson, thuộc Họ Ngài sáng (Pyralidae), Bộ Cánh vảy (Lepidoptera). Đây là loài sâu bệnh hại mía xuất hiện chưa lâu tại Việt Nam. Nó được đánh giá là loại sâu gây hại nặng nề nhất trên cây mía. Loài sâu này sinh trưởng mạnh các tháng mùa mưa ẩm ướt hoặc trên ruộng mía thoát nước kém, ngập úng kéo dài.

Sâu đục thân đầu nâu gây hại mía

Để quản lý, phòng trị sâu đục thân bốn vạch đầu nâu, bà con cần sử dụng phương pháp quản lý tổng hợp. Cụ thể như sau:

Chọn giống

Khâu chọn giống rất quan trọng. Bà con cần chọn giống khỏe, sức đề kháng cao như U-Thong 1, F156, K90-54… và đáp ứng một số điều kiện sau:

  • Hom làm giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Giống thuần có độ thuần > 95%.
  • Thời gian sinh trưởng từ 7 – 10 tháng tuổi.
  • Hom giống lấy từ 1/3 ở đoạn giữa thân cây mía. Chiều dài của hom giống khoảng 2 – 3 mắt mầm, có mầm ngủ khỏe. Đường kính thân >80% đường kính thân đặc trưng của giống. Độ dài lóng tối đa không vượt quá 20% độ dài lóng trung bình của giống.
  • Số mắt mầm đã phát triển không bình thường trên cây mía không vượt quá 5% tổng số mắt mầm của cây. Số mắt mầm đã mọc lên, phát triển vượt quá 1 cm so với bề mặt của lóng mía không được vượt quá 5% tổng số mắt mầm của cây.
  • Không nhiễm bệnh than, bệnh thối đỏ, bệnh chồi cỏ và bệnh trắng lá mía. Tỷ lệ cây bị sâu đục thân gây hại < 3%. Tỷ lệ cây bị rệp sáp đỏ gây hại < 5%. Tỷ lệ cây bị rệp xơ bông trắng gây hại < 5% và chưa xuất hiện muội đen.

Vệ sinh đồng ruộng

Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ sẽ giúp diệt nguồn sâu hại từ vụ trước. Thu gom và tiêu hủy tàn dư sau bệnh triệt để. Tuyệt đối không vứt bỏ hom giống mía trên đồng ruộng và xung quanh bờ. Sau khi trồng mía, nên thực hiện luân canh với cây khác như cây họ đậu để cải thiện đất.

Cần thường xuyên thăm đồng và vệ sinh, tiêu hủy nguồn bệnh sớm

Canh tác đúng kỹ thuật

  • Trồng đúng thời vụ để thời tiết đảm bảo cho cây phát triển.
  • Làm đất đúng kỹ thuật, đảm bảo tơi xốp để giữ ẩm tốt cho cây,
  • Bón phân cân đối, hợp lý, đúng giai đoạn, đúng thời điểm.
  • Tưới nước bổ sung trong cao điểm mùa khô hạn (từ tháng 1 – 3), lượng nước tưới 500 m3/ha/lần, tưới từ 1 – 2 lần/tháng. Đồng thời phải có giải pháp tiêu úng cho ruộng mía sau những đợt mưa lớn.

Trị sâu bằng việc kết hợp các phương pháp thủ công, sinh học, hóa học

  • Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh. Vạch lá, thân mía và ngắt bỏ ổ trứng, bóc tỉa lá mía, cắt thân mía bị sâu đục thân gây hại đưa ra khỏi ruộng mía. Sau đó, đem phơi khô chúng và đốt tiêu hủy.
  • Dùng bẫy đèn thu hút và tiêu diệt sâu.
  • Nhân nuôi và phóng thích bổ sung các tác nhân sinh học như ong mắt đỏ Trichogramma chilonis Ishii, bọ đuôi kìm Euborellia annulipes, … ra đồng ruộng để kiểm soát sâu đục thân mía bốn vạch đầu nâu.
  • Cần theo dõi phát hiện sớm sâu bệnh, khi sâu non mới nở chưa đục vào trong thân cây thì tiến hành phun thuốc BVTV chứa hoạt chất Carbosulfan, Fenobucarb,  Permethrin