Bệnh rỉ sắt gây hại cà phê

Bước vào mùa mưa, nhiệt độ và độ ẩm không luôn ở mức cao. Điều này tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh hại tấn công cây cà phê. Rỉ sắt cũng là một loại bệnh phổ biến, dễ phát sinh trong thời điểm này. Bệnh gây rụng lá hàng loạt khiến cây gặp khó khăn trong quang hợp, cây trở nên kém phát triển, cho năng suất thấp.

Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh bệnh rỉ sắt trên cây cà phê

Bệnh rỉ sét trên cây cà phê

Bệnh rỉ sắt trên cây cà phê chủ yếu do nấm Hemileia vastatrix gây hại. Đây là loại nấm đáng gờm của cây cà phê bởi khi nhiễm bệnh sẽ có diễn biến khó lường, rất khó kiểm soát.

Bào tử nấm tồn tại ẩn mình trên lá dưới dạng các nốt nhỏ màu nâu trong suốt nhiều tháng. Cho tới khi gặp nhiệt độ và độ ẩm thích hợp (22-24 độ C và 80-90%). Bào tử nấm sẽ nảy mầm, sinh sôi và lây lan sang các cây khác, tàn phá vườn cà phê. Chúng lây lan bằng gió, côn trùng và qua cả các hoạt động chăm sóc cây như cắt cành hoặc thu hoạch.

Biểu hiện bệnh rỉ sắt trên cây cà phê

Bệnh rỉ sắt chủ yếu gây hại trên lá. Ban đầu, vết bệnh là một chấm nhỏ ở mặt dưới lá, có hình bầu dục màu vàng nhạt. Vết bệnh sẽ dần phát triển và có thể đạt đường kính đến 1cm và màu đậm dần. Trên bề mặt vết bệnh được phủ bởi một lớp bột mỏng bào tử nấm có màu xanh vàng hoặc vàng cam.

Khi bệnh tiến triển nặng, một số vết bệnh có thể liên kết nhau tạo thành những mảng lá bị biến vàng, cháy khô và có thể rụng hàng loạt. Việc lá rụng nhiều sẽ khiến cây sinh trưởng kém, năng suất suy giảm.

Bệnh nặng có thể gây cháy rụng lá

Phòng trừ bệnh rỉ sắt trên cây cà phê

Để phòng bệnh rỉ sắt trên cây cà phê, bà con nên thực hiện những điều sau:

– Chọn giống khỏe, kháng bệnh, nên dùng giống TR4, TR5, TR9, TRS1 đối với cà phê vối và TN1, TN2, TN3, TN10 đối với cà phê chè.

– Trồng cà phê với mật độ vừa phải, không trồng dày. Mật độ trồng thích hợp từ 1000-1300 cây/ha với cà phê vối, 700-800 cây/ha với cà phê mít và 4000-5000 cây/ha với cà phê chè.

– Bố trí hệ thống thoát nước tốt, tránh để ngập úng tạo điều kiện lây lan bệnh.

– Cắt tỉa vườn thường xuyên, dọn cỏ, không để vườn âm u, rậm rạp.

– Bón phân cân đối, bổ sung phân bón vi lượng cho lá.

– Phun thuốc phòng bệnh vào đầu mùa mưa.