Xoăn lá là hiện tượng khá phổ biến trên cây ớt. Lá bị xoăn có kích thước nhỏ hơn nhiều so với lá ớt khỏe mạnh, lá co rúm, méo mó và xoắn lại thành cụm. Lá có xanh đậm hơn hẳn so với lá thông thường. Khi bóp vào lá xoăn thấy giòn, dễ gãy. Tưởng chừng như đơn giản nhưng xoăn lá là dấu hiệu cây đang nhiễm bệnh hoặc không được chăm sóc đúng quy chuẩn. Nếu không được xử lý kịp thời, hiện tượng này có thể khiến bà con mất trắng vụ.
Cùng AVN tìm hiểu nguyên nhân khiến ớt bị xoăn lá nhé!
Ớt bị xoăn lá do thiếu nước
Mỗi giai đoạn sinh trưởng, cây ớt lại có nhu cầu nước khác nhau. Giai đoạn cây con nên tưới ngày 1-2 lần. Giai đoạn ra hoa, đậu trái thì cần bổ sung thêm lượng nước để trái to, căng mọng. Nhất là trong những ngày khô hạn, nắng nóng.
Nếu lượng nước tưới không đủ nhu cầu cho ớt sinh trưởng, rễ cây sẽ teo lại, lá từ từ xoăn lại để tránh bị mất nước.
Ớt bị xoăn lá do thừa nước
Tưới thừa nước cũng gây xoăn lá trên cây ớt. Bởi đất quá ẩm kết hợp thoát thủy kém tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh. Lúc này rễ cây bắt đầu thối đen và mục nát. Cây vì thế mất khả năng hút nước và dinh dưỡng, lá ớt bị đốm vàng và xoăn lại.
Thiếu ánh sáng gây nên tình trạng xoăn lá
Cây ớt là loài cây ưa sáng. Vì vậy khi bị rợp, thiếu sáng sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây. Cây sẽ chậm lớn, ngọn và lá xoăn lại.
PLCV Virus gây xoăn lá
PLCV (Pelargonium leaf curl virus) là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng xoăn lá trên cây ớt. Loại virut này hoạt động trong thời tiết mát mẻ. Chúng sinh trưởng mạnh vào mùa đông đến giữa mùa xuân. Chúng lây bệnh thông qua môi giới truyền bệnh là rày phấn trắng, bọ chích hút như bọ phấn, bọ trĩ… hoặc qua dụng cụ làm vườn. Ngoài biểu hiện xoăn lá, kích thước giảm thì xoăn lá do PLCV Virus còn khiến gân lá trở nên trong.
Phòng ngừa hiện tượng xoăn lá trên cây ớt
Từ các nguyên nhân trên, bà con có thể phòng ngừa hiện tượng xoăn lá khiến cây kém phát triển bằng cách:
– Trồng cây với mật độ vừa phải. Không để cây rợp, thiếu sáng.
– Tưới nước vừa đủ
– Thường xuyên thăm vườn, nhất là trong thời gian 25-30 ngày kể từ ngày cây mọc, bởi đây là giai đoạn có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
– Với cành cây nhiễm bệnh do virus, bấm tỉa bớt ngọn cành bị xoăn, rồi đem đi tiêu huỷ ở nơi xa vườn trồng.
– Khi cây xuất hiện côn trùng gây hại với mật độ dày, nên phun chế phẩm sinh hoặc hoặc thuốc BVTV để diệt trừ.
– Bón phân vi lượng nâng cao miễn dịch cho cây cứng, lá khỏe.