Chăm sóc lúa xuân thời đứng cái, làm đòng

Trong thâm canh lúa, giai đoạn đứng cái, làm đòng là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định tới năng suất, sản lượng mùa vụ. Ngoài phòng trừ sâu bệnh, cách chăm sóc, bón phân cũng vô cùng quan trọng bởi giai đoạn này, cây lúa cần tích lũy nhiều dinh dưỡng để nuôi đòng.

Lúa cần lượng dinh dưỡng lớn khi đứng cái, làm đòng

Chăm sóc lúa giai đoạn đứng cái

Chế độ nước:

Khi lúa chuẩn bị đứng cái, bà con có thể tháo nước cạn để giúp rễ ăn sâu, hút được nhiều dinh dưỡng và hạn chế đổ ngã về sau. Tháo nước cạn đồng thời giúp cho lá lúa đứng thẳng, để cây quang hợp tốt hơn, ít sâu bệnh hơn. Bà con rút nước để ẩm phơi ruộng 5-7 ngày sau đó lấy nước về ruộng, giữ mực nước từ 5-7cm và tiến hành bón thúc để đón đòng.

Chế độ dinh dưỡng, phân bón:

Thời điểm bón đón đòng: Khi 2/3 số cây trên ruộng lá chuyển màu vàng chanh, chóp lá thắt eo ( 2 cổ của lá trên cùng bằng nhau, lá thứ hai từ trong ngọn tính ra có hiện tượng thắt eo), lúa tròn khóm, tròn cây, bộ lá đứng và cứng hơn.

Lượng phân bón gồm: Phân urê bón từ 1 đến 2kg trên sào tùy theo màu xanh của lá lúa; Kali bón từ 4 đến 6 kg trên sào.

Nếu ruộng lúa có bộ lá quá xanh, tốt lốp thì không bón đạm mà bón tăng lượng Kali.

Chăm sóc lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông

Giai đoạn làm đòng đến khi trổ bông không được để ruộng thiếu nước

Chế độ nước:

Luôn phải giữ đủ nước trong ruộng, không để lúa thiếu nước từ khi lúa làm đòng đến lúc trổ xong.

Chế độ dinh dưỡng:

Khi thăm đồng, nếu quan sát thấy tình trạng lúa còn xấu- biểu hiện của việc thiếu dinh dưỡng thì bà con bón thêm phân hạt dễ tiêu như sau: Đạm (0,5 – 1kg/sào), Kali (1- 2kg/sào) hoặc sử dụng các loại phân bón qua lá như đầu trâu MK 002, MK15-5-40 +Te… để tăng cường dinh dưỡng cho lúa.

Đồng thời, bà con cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh hại như khô vằn, rầy nâu, đạo ôn để kịp thời trị bệnh.