Bệnh khô đầu lá
Đặc điểm của bệnh
Bệnh do nấm Stemphylium botryosum gây ra. Vết bệnh có hình bầu dục dài, lúc đầu có màu xám trắng sau đó tâm vết bệnh chuyển thành màu nâu vàng trên nền trắng xám, sau từ 5 – 7 ngày gãy gục ở giữa và khô lụi. Chiều dài vết bệnh có thể kéo dài từ 10 – 20 cm. Trời ẩm, mưa phùn bệnh phát triển mạnh và phía trên bề mặt vết bệnh có lớp nấm màu nâu đen. Bệnh chỉ gây hại trên lá bánh tẻ.
Biện pháp phòng trừ bệnh
- Gieo trồng tập trung, đúng thời vụ
- Tưới nước đủ ẩm, không để ruộng quá ướt. Vào những ngày có nhiều sương có thể tưới nước rửa sương vào buổi sáng để hạn chế bệnh phát triển.
Thường xuyên thăm đồng, ngắt bỏ lá tỏi bị khô đầu lá hay bị lụi để hạn chế bệnh phát sinh lan truyền. Khi bệnh chớm xuất hiện dùng các thuốc có chứa các hoạt chất: Propineb; Difenoconazole; Thiophanate-Methyl…
Bệnh sương mai
Đặc điểm bệnh
Bệnh do nấm Peronospora destrustor gây ra. Bệnh thường hại trên lá già sau đó lan xuống củ. Lá già bị bệnh có màu xanh nhạt, trên có lớp nấm màu trắng che phủ lên vết bệnh sau đó chuyển sang màu xanh hơi đỏ. Bệnh nặng làm lá bị gãy gục và chết.
Cây còn nhỏ ít bị bệnh gây hại. Cây lớn các lá già bị hại trước sau đó lan dần đến củ, cuối cùng cây còn ít lá, củ nhỏ và sau đó cây chết.
Biện pháp phòng trừ
Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây bị bệnh đem tiêu hủy.
Sử dụng luân phiên các loại thuốc có chứa hoạt chất sau để phòng trừ bệnh: Zineb; Mancozeb + Metalaxyl; Iprovalicard + Propineb…
Bệnh đốm vòng
Đặc điểm bệnh
Bệnh do nấm Alternaria sp. gây ra. Ban đầu trên lá và cuống hoa xuất hiện những đốm nhỏ trắng sau chuyển thành hình oval có viền màu trắng, hơi lõm xuống. Nếu thời tiết ẩm, vết bệnh chuyển màu xám hay nâu, giữa có màu tím xung quanh vết bệnh màu vàng lục.
Phần lá bị bệnh mềm, rũ xuống, sau 3 – 4 tuần thì chết, tuy nhiên phần thân vẫn còn đứng. Ở cây trưởng thành vùng cổ lá dễ bị bệnh tấn công tạo thành vết nhũn nước. Vết thối có màu vàng đến đỏ rất dễ nhận dạng, cuối cùng vết bệnh khô và teo tóp lại.
Biện pháp phòng trừ
Vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch; Luân canh cây tỏi với các cây trồng không phải ký chủ của nấm bệnh như: lúa, ngô, đậu,…
Khi bệnh mới xuất hiện trên đồng ruộng phun các loại thuốc có chứa hoạt chất: Azoxystrobin + Difenoconazole; Carbendazim; Chlorothalonil….
Ngoài ra còn một số loại bệnh gây hại cho tỏi như: Bệnh thối trắng (Sclerotium cepivonum), bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporiodes), bệnh thối củ (Fusarium Basal Plate Rot), bệnh mốc xanh (Penicillium spp.), bệnh than đen (Urocystis cepula Prost),….