Tháng 1 là thời điểm gieo cấy vụ Chiêm Xuân cho các tỉnh Bắc Trung Bộ năm nay. Những ngày này, bà con đã bắt đầu xuống đồng. Lúa xuân khi mới gieo trồng rất dễ bị nghẹt rễ bởi điều kiện thời tiết đặc trưng của thời điểm này. Nghẹt rễ là một bệnh sinh lý trên lúa, tuy không lây lan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây lúa, làm giảm năng suất nếu không được khắc phục kịp thời.
Triệu chứng bệnh nghẹt rễ lúa
Để thấy rõ triệu chứng bênh, bà con nhổ cả khóm lúa lên sẽ thấy rễ lúa có màu đen, phảng phất có mùi hôi tanh, chót lá vàng dần rồi cả lá có màu nâu đỏ, khô đỏ, cứng khô, đẻ nhánh ít hoặc không đẻ được; cây lúa còi cọc, sinh trưởng chậm hoặc đứng yên tại chỗ (nếu bị nhẹ), không thể tiếp tục sinh trưởng được (nếu bị nặng).
Nguyên nhân gây bệnh nghẹt rễ lúa
Nguyên nhân chính gây nên bệnh nghẹt rễ lúa là do đất thiếu oxi, gây tình trạng yếm khí. Hiện tượng này thường xảy ra khi bón nhiều phân hữu cơ chưa hoai mục, đất ruộng có thành phần cơ giới nặng, đất không được phơi ải, đất ngập nước thường xuyên, … dẫn đến việc đất tích tụ nhiều khí độc như mêtan (CH4), khí Sunfuahydro (H2S) và một số loại đất có “váng màu gạch cua” tồn tại các ion Fe+2; AL+3 di động…. khiến cây lúa không hô hấp được, từ đó không thể thực hiện được các phản ứng hóa sinh, không tạo được năng lượng để hút nước và dinh dưỡng nuôi cây, dẫn đến cây lúa bị suy kiệt và chết lụi dần.
Trị bệnh nghẹt rễ lúa
Khi phát hiện ruộng bị bệnh nghẹt rễ, bà con hãy khẩn trương cho thêm nước vào ruộng, thực hiện sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cây lúa; sau đó tháo kiệt nước phơi ruộng 2-3 ngày, bón vôi bột 40 – 50 kg/1000m2. Nếu tình trạng nghẹt rễ nặng, bà con sử dụng thuốc Antracol 70WP phun theo hướng dẫn trên bao bì.
Chú ý: Tuyệt đối không bón phân đạm trong thời kỳ này.
Sau khi xử lý như trên từ 5-7 ngày, bà con nhổ lúa tiến hành kiểm tra, nếu thấy cây lúa ra rễ trắng mới và ra thêm lá mới thì bà con có thể sử dụng các loại phân bón qua lá như Thiên Nông, Đầu Trâu hoặc KOMIC… để phun, giúp cây lúa nhanh hồi phục.
Khi cây lúa hồi xanh trở lại, ra rễ mới thì tiến hành chăm sóc bình thường.
Phòng bệnh nghẹt rễ trên lúa
Để phòng và khắc phục bệnh nghẹt rễ, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:
Tiến hành làm đất kỹ, bón lót vôi bột từ 40 – 50 kg/1000m2 khi cày ải, bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục 800 – 1.000 kg/1000m2, phân lân 40 – 50 kg/1000m2 khi bừa cấy nhằm giảm độ chua trong đất.
Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI):
- Cấy khi cây mạ được 2 – 3 lá, cấy nông tay, thẳng hàng;
- Cấy 1 – 2 dảnh/khóm, mật độ 25 – 30 khóm/m2 đối với lúa lai và mật độ 30 – 35 khóm/m2 đối với lúa thuần;
- Duy trì 2-3cm nước trong ruộng nhằm chống rét cho lúa để hạn chế bệnh nghẹt rễ;
- Tiến hành chăm sóc, bón phân, làm cỏ sớm khi thời tiết ấm; không cấy và bón thúc đẻ nhánh vào những ngày trời rét, nhiệt độ dưới 150C.