Đời sống của cây lúa là một hành trình từ hạt nhỏ đến khi lúa chín vàng qua các giai đoạn tăng trưởng quan trọng. Hãy cùng tham khảo thông tin bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về hành trình sinh trưởng kì diệu ấy của bông lúa.
1. Giai đoạn Tăng Trưởng: sức sống nảy mầm
Hành trình bắt đầu từ hạt giống nhỏ bé nảy mầm, cây lúa bắt đầu giai đoạn tăng trưởng, nơi sức sống bắt đầu hình thành. Trong giai đoạn này, cây phát triển về thân lá, chiều cao tăng dần và nở bụi. Trong điều kiện đầy đủ dinh dưỡng, ánh sáng và thời tiết thuận lợi, cây lúa có thể bắt đầu nở bụi khi có lá thứ 5-6.
Hạt lúa nảy mầm
Lá cây nở rộ, tăng kích thước, và cây lúa nhận nhiều ánh sáng mặt trời để quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng, và chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo. Việc tạo điều kiện cho cây lúa nở bụi sớm và kiểm soát sự mọc thêm chồi là quan trọng để tập trung dinh dưỡng vào những chồi hữu hiệu.
Thông thường, số chồi hình thành bông (chồi hữu hiệu) thấp hơn số chồi tối đa và ổn định khoảng 10 ngày trước khi đạt được số chồi tối đa. Các chồi ra sau đó, thường sẽ tự rụi đi không cho bông được do chồi nhỏ, yếu không đủ khả năng cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với các chồi khác, gọi là chồi vô hiệu. trong canh tác, người ta hạn chế đến mức thấp nhất việc sản sinh ra số chồi vô hiệu này bằng cách tạo điều kiện cho lúa nở bụi càng sớm càng tốt và khống chế sự mọc thêm chồi từ khoảng 7 ngày trước khi phân hóa đòng trở đi, để tập trung dinh dưỡng cho những chồi hữu hiệu.
Cánh đồng cấy mạ non
2. Giai đoạn sinh sản: sự hình thành của bông lúa nở hoa
Giai đoạn sinh sản bắt đầu khi cây lúa phân hóa đòng và kéo dài đến khi lúa trổ bông. Trong khoảng 27-35 ngày, số chồi vô hiệu giảm nhanh, chiều cao tăng lên rõ rệt do sự vươn dài của 5 lóng trên cùng. Đòng lúa hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn, cuối cùng thoát ra khỏi bẹ của lá cờ: lúa trổ bông. Trong thời gian này, khi được hỗ trợ đủ dinh dưỡng, ánh sáng, và thời tiết thuận lợi, bông lúa sẽ hình thành nhiều hơn và vỏ trấu đạt kích thước lớn nhất của giống, tạo điều kiện tối ưu cho trọng lượng hạt lúa.
Cây lúa bắt đầu trổ bông
3. Giai đoạn chín: Từ lúa ngậm sữa đến lúa chín vàng
Giai đoạn cuối cùng, giai đoạn chín, bắt đầu khi lúa trổ bông và kéo dài cho đến lúc thu hoạch. Giai đoạn này trung bình khoảng 30 ngày đối với hầu hết các giống lúa ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, nếu đất ruộng có nhiều nước, thiếu lân, thừa đạm, trời mưa ẩm, ít nắng trong thời gian này thì giai đoạn chín sẽ kéo dài hơn và ngược lại.
Những bông lúa ngâm sữa căng tròn
Trong thời kỳ chín sữa, cây chuyển hướng chất dự trữ từ lá sang hạt lúa, tạo nên “lúa ngậm sữa.” Kích thước và trọng lượng của hạt gạo được tăng dần làm đầy vỏ trấu. Bông lúa này nặng cong xuống nên được gọi là lúa “cong trái me”.
Hạt gạo sẽ chứa một dịch lỏng màu trắng đục như sữa, nên gọi là thời kỳ lúa ngậm sữa.
Thời kỳ chín sáp đánh dấu sự cô đặc của hạt, lúc này thì vỏ trấu vẫn còn xanh. Sau đó bước sang thời kỳ chín vàng thì cũng là lúc vỏ trấu chuyển sang màu vàng đặc trưng của giống lúa. bắt đầu từ những hạt cuối cùng ở chót bông lan dần xuống các hạt ở phần cổ bông nên gọi là “lúa đỏ đuôi”, lá già rụi dần.
Thời kỳ chín hoàn toàn: Cuối cùng, cây lúa trải qua thời kỳ chín hoàn toàn khi hạt gạo trở nên khô cứng, lá xanh chuyển sang màu vàng và rụi dần. Đây là thời điểm lý tưởng để thu hoạch, khi khoảng 80% hạt lúa đã chuyển sang màu trấu đặc trưng của giống. Giai đoạn này đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ và bắt đầu của một chu kỳ mới, khi đất ruộng được chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo và mọi chuẩn bị được thực hiện để tái tạo hành trình tuyệt vời của cây lúa.
Cánh đồng lúa chín vàng chờ người thu hoạch
Qua mỗi giai đoạn của mình, cây lúa không chỉ cung cấp thức ăn cho hàng tỷ người mà còn mang đến cho chúng ta sự kỳ diệu của quá trình sinh trưởng và phát triển trong tự nhiên. Hành trình từ hạt giống đến hạt lúa là một câu chuyện đẹp về sức sống và sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.