Nhện chích hút nhựa ở bẹ lá, cuống bông, cuống gié và vỏ bông lúa trước khi trỗ. Trên bẹ lá tạo thành những sọc thối đen kéo dài, làm bẹ lá có màu thâm nâu như bã trầu. Khi lúa có đòng nhện hút nhựa đòng làm bông lúa trỗ ra có nhiều hạt lép hoặc lép cả bông. Hạt lúa bị nhện hại co xoắn lại và biến màu vàng nhạt. Khi mật độ cao nhện bò lên bông lúa hút nhựa và tiếp tục gây lép một số hạt. Nhện thường mang theo bào tử nấm gây bệnh thối bẹ lúa. Ở Việt Nam, Nhện gié là một trong những dịch hại phổ biến trên lúa trong những năm gần đây và có khuynh hướng lan rộng ra một số vùng trồng lúa ở nước, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc điểm sinh thái nhện gié
Nhện trưởng thành có kích thước rất nhỏ khoảng 0,2-1mm, trong suốt hoặc màu nâu sáng, có 8 chân. Cơ thể con đực thường ngắn hơn con cái, đôi chân sau cùng thường to hơn đôi chân sau của con cái và được sử dụng như một cái kẹp để tự vệ.
Nhện cái có khả năng đẻ được 50 trứng riêng lẻ trên bẹ lá phía trên mặt nước, trứng dạng bầu dục, trắng đục, các trứng không được thụ tinh sẽ nở ra nhện đực.

Trứng rất nhỏ có dạng hình quả trứng, màu trắng hoặc màu trắng đục, đẻ rải rác trong bẹ lá. Vòng đời nhện gié từ 10 đến 13 ngày, trứng 1-2 ngày, nhện non 4-5 ngày, nhện trưởng thành 5-6 ngày.
Nhện non cơ thể nhọn, dài, chỉ có 3 cặp chân. Nhện non ngừng hoạt động trong khoảng 1 ngày trước khi chuyển sang trưởng thành, nhện non không thể tự di chuyển được phải nhờ con đực trưởng thành mang đi.
Nhện phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Ngoài ra, theo các kết quả nghiên cứu của các nhà côn trùng học ở Viện lúa quốc tế thì sự bộc phát của nhện gié có liên quan đến việc nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu ở đầu vụ làm giảm mật độ thiên địch trên đồng ruộng, gieo sạ quá dày, bón nhiều phân đạm.
Nhện gié gây hại
Nhện gié gây hại ở hầu hết các bộ phận trên cây lúa như gân lá, lá, bẹ lá, bông và hạt.
Triệu chứng trên lá: Nhện cư trú và gây hại chủ yếu trên gân chính của lá lúa. Vết hại ban đầu thường có hình chữ nhật rõ nét “giống như vết cạo gió”, màu nâu, sau dần có màu nâu thẫm đến màu nâu đen, chiều dài vết bệnh từ 2-15cm. Gân lá bị hại nặng có thể làm cho lá bị gãy gập xuống tại nơi nhện gié chích hút gây hại.

Trên bẹ lá lúa: Nhện đục lỗ và chui vào bên trong của khoang bẹ lá lúa để sinh sống và gây hại. Khi quần thể tăng, chúng đục sang các khoang kế tiếp, vì khoang của mô bẹ có hình chữ nhật, nên vết nhện hại biểu hiện ra bên ngoài thường có hình chữ nhật tương đối đặc trưng. Vết hại cứ to dần lên, khi bị nặng hình chữ nhật của vết hại không còn điển hình nữa. Độ dài ban đầu của vết hại chỉ 0,5-0,8 cm, sau lan ra toàn bẹ lá. Màu sắc vết hại từ màu nâu vàng chuyển sang màu nâu thẫm, cuối cùng chuyển sang màu nâu đen khác với triệu chứng bệnh thối bẹ (vết bệnh thường ít và thối nhũn còn do nhện thường khô).
Trên bông và hạt: Nhện gié gây hại ngay khi bông lúa còn nằm trong bẹ lá đòng, nhện gié hại nặng làm cho bông lúa khó trỗ thoát, nếu có trỗ thoát thì hình dạng bông lúa bị vặn vẹo. Hạt lúa bị đen lép, tỷ lệ hạt lép cao, hình dạng méo mó, vỏ trấu có màu nâu đen.
Biện pháp phòng trị
Biện pháp cơ giới
- Sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng trước khi làm đất nếu là vùng thường xuyên có nhện gié xuất hiện.
- Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc diệt sạch cỏ bờ, lúa chét, lúa rày.
- Sạ lúa theo hàng với mật độ vừa phải, bón phân cân đối giữa đạm-lân-kali.
- Bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, một số loại nhện và ong nội ký sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié.
- Cung cấp đủ nước cho ruộng lúa vì nhện gié thích hợp điều kiện ruộng khô.
- Luân canh cây trồng bằng cách trồng cây trồng cạn để cắt đứt vòng đời của chúng như các cây họ đậu đồng thời làm tăng độ phì của đất.
Biện pháp hóa học
Thường xuyên thăm đồng ruộng, theo dõi diễn biến gây hại của nhện gié, nhất là giai đoạn đòng – trỗ, thời kỳ lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh, nếu thấy 5% số dảnh bị hại có vết thâm cạo gió hình chữ nhật, chạy dọc bẹ lá lúa, trên gân lá lúa, thì cần phải tiến hành phun phòng ngay. Đồng thời, vào thời kỳ trước trỗ 5-7 ngày thấy 3-5% số dảnh bị hại thì cần phun trừ bằng bộ thuốc hóa học, sử dụng ngay thuốc bảo vệ thực vật đặc trị nhện gié nằm trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” và thu gom bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Lưu ý
Nếu gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, trên những chân ruộng thường xuyên bị thiếu nước nhện gié sẽ phát sinh gây hại nặng, khi ruộng lúa bị gây hại nặng nhất thiết cần phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày và luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, cần phun ướt đẫm lá và thân; phun vào lúc chiều mát, tránh ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của lúa; đối với khu vực vụ trước đã bị, cần phun thuốc trừ nhện xung quang bờ ruộng nơi nhện vẫn còn lưu trú trên cỏ dại, lúa chét.