Ổi là là loài cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch với năng suất cao. Tuy nhiên, ổi cũng là loài cây được các loài sâu ưa thích. Nếu không có biện pháp phòng trừ, ổi trái thương phẩm sẽ không đạt sản lượng, hương vị kém ngon, mẫu mã xấu.
Dưới đây là 3 loài sâu gây hại chính, đặc biệt nghiêm trọng trên cây ổi!
Ruồi đục quả
– Đặc điểm sinh thái và gây hại:
Con trưởng thành là một loài ruồi nhỏ hơn ruồi nhà (Dacus dorsalis). Nhìn bề ngoài ruồi đục quả hơi giống con ong nhưng thân ngắn hơn, mình có màu nâu vàng.

Con cái dùng râu để chọn những quả sắp chín rồi quay đít cắm vòi đẻ trứng chích sâu qua vỏ quả để đẻ trứng vào phần thịt quả. Mỗi lần chúng đẻ một ổ trứng khoảng 5-10 trứng. Sau vài ngày, trứng nở thành các sâu non có màu trắng ngà, không có chân. Sâu non đục ăn phần thịt quả xung quanh ổ trứng. Càng lớn, sâu non càng ăn khỏe, ăn sâu vào giữa quả. Lúc này, vi khuẩn và nấm bệnh sẽ theo vết cắn xâm nhập quả, làm vết thối lan rộng, khiến quả ổi rụng đi. Khi đã lớn đẫy sức, sâu non sẽ chui ra khỏi quả thối, tìm kẽ nứt ở đất hoặc gốc cây để chui vào. Chúng hóa nhộng rồi vũ hóa để trở thành con ruồi trưởng thành.
– Dấu hiệu nhận biết ruồi đục quả gây hại:
Nếu bà con quan sát thấy trên quả ổi có các vết chích li ti, tại vết chích có nhựa/mủ chảy ra, vỏ thâm đen dần thì khả năng cao quả ổi đã bị ruồi đục quả tấn công.
Sâu đục quả
– Đặc điểm sinh thái, gây hại của sâu đục quả lên ổi:
Bướm sâu đục quả tương đối nhỏ, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Sâu bướm đẻ trứng rải rác trên các quả non, trứng có màu trắng ngà, tới khi sắp nở thì chuyển sang vàng nhạt. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 20-30 trứng. Trứng nở ra sâu non có đầu màu đen, thân mình màu nâu đỏ, bên trên đốt lưng có các u lông. Sâu non này bò rất nhanh và đục ngay vào quả. Chúng đục từ khi quả nhỏ cho đến tận lúc gần thu hoạch song gây hại nhất là giai đoạn quả bằng ngón tay cái cho đến khi có kích thước bằng quả chanh.
Sâu thường hóa nhộng trên cành, lá gần nơi quả bị tấn công hoặc ngay cả trên quả. Nhộng có màu nâu, dài khoảng 10-13mm.
Sâu đục quả gây hại vào lúc quả nhỏ sẽ làm quả sẽ bị biến dạng và rụng không lâu sau đó. Nếu chúng tấn công vào giai đoạn quả lớn thì sẽ làm giảm phẩm chất của quả, làm biến đổi mùi, vị của quả.
– Dấu hiệu nhận biết quả ổi bị sâu đục quả gây hại:
Quan sát các vết đục của sâu trên quả ổi, bà con sẽ thấy các hạt li ti màu nâu đen ùn ra bên ngoài lỗ đục. Đây chính là các hạt phân sâu, về sau lớp phân này sẽ kết dính lại với nhau tạo nên lớp màu đen bám ngoài vỏ ổi.
Bọ xít muỗi

– Đặc điểm sinh thái, gây hại:
Bọ xít trưởng thành có hình thể giống con muỗi lớn. Bọ xít muỗi có màu xanh, cấu tạo miệng kiểu vòi chích hút.
Bọ xít muỗi thường đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm 2 – 4 trứng trên quả ổi non hoặc trên gân lá. Trứng đẻ sâu trong biểu bì để lộ ra 2 sợi lông dài. Khi mới nở, bọ xít muỗi có màu vàng, thân nhiều lông, đến khi đẫy sức. nó sẽ chuyển từ màu vàng sang xanh ánh vàng.
Bọ xít muỗi gây hại trên trái ổi bằng cách dùng vòi chích hút chồi non, cành non, cuống hoa và quả. Vết chích lúc đầu có màu xám chì, xung quanh màu nhạt sau đó dần dần vết chích bị thâm đen.
Bọ xít muỗi chích các bộ phận non làm héo khô đen, hại nặng làm lá non xoăn lại, khô héo, quả bị chích nhiều vết thâm và phát triển dị dạng. Bọ xít muỗi non gây hại nhiều hơn bọ xít muỗi trưởng thành vì chúng ít di chuyển, tập trung trên từng cây hoặc từng vùng nhỏ nên hiện tượng gây hại không rải đều trong vườn. Trong trường hợp quả ổi non bị bọ xít muỗi gây hại thì hoàn toàn không trị hết vết đen do bọ xít chích trên quả.
– Dấu hiệu bọ xít muỗi gây hại trên ổi:
Các bộ phận non như lá non, chồi non, quả non bị bọ xít muỗi chích hút sẽ bị khô đen, lá xoăn. Trên quả sẽ xuất hiện các vết thâm. Các vết thâm này theo thời gian sẽ không bị mất đi mà sẽ bị đen và cứng đi tựa như mày ghẻ.
Trên đây là 3 loài sâu hại phổ biến và nguy hiểm trên cây ổi, bà con hãy lưu lại trong sổ tay để kịp thời phát hiện chúng, chăm sóc vườn ổi sinh trưởng tốt, có một mùa vụ bội thu nhé!