Vai trò của các nguyên tố vi lượng với cây trồng

Để cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao, ngoài phân bón đa lượng (đạm, lân, kali), phân bón trung lượng (Lưu Huỳnh, magiê, canxi..) thì phân bón vi lượng chứa các nguyên tố Sắt, Đồng, Kẽm, Mangan, Bo, molypđen… tuy chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ song lại đóng vai trò rất quan trọng. Chúng quyết định đến sự phát triển, độ bền, khả năng kháng sâu bệnh và năng suất của cây trồng. Nếu thiếu các nguyên tố vi lượng có thể làm cho cây còi cọc, chậm phát triển.Nếu dư thừa thì lại khiến cây trồng nhiễm kim loại nặng, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản và sức khoẻ con người.

Vai trò của các nguyên tố vi lượng đối với cây trồng

Sắt (Fe)

Cây thiếu sắt khiến lá vàng

Sắt tham gia vào một số chức năng hô hấp của thực vật và góp phần quan trọng trong việc hình thành chất diệp lục cho cây. Cụ thể: Sắt cần cho việc vận chuyển êlectron trong quá trình quang hợp và các phản ứng oxyhóa – khử trong tế bào. Sắt nằm trong thành phần của Fe – porphyrin và ferrodoxin, rất cần cho pha sáng của quá trình quang hợp…

Do đó, khi cây thiếu sắt, lá cây sẽ chuyển từ xanh sang vàng, trắng làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp. Cây trở nên yếu ớt, sinh trưởng kém.

Mangan (Mn)

Mangan có chức năng chủ yếu như một phần của hệ thống enzym trong cây. Mangan góp phần xây dựng màng tế bào thực vật thông qua khả năng xúc tác việc hình thành axit phôtphatidic trong việc tổng hợp phôtpholipid.  Mangan là nguyên tố quan trọng trong việc hình thành và ổn định lục lạp; tổng hợp prôtêin cho cây trồng. Nhờ đó, hạt nảy mầm nhanh chóng, bộ rễ cây chắc khỏe, tăng khả năng ra hoa, kết trái, tăng tốc độ trưởng thành của cây. 

Kẽm (Zn)

Kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng ở cây, thúc đẩy các phản ứng trao đổi chất nhất định. Ngoài ra giúp cây tăng thêm khả năng chống chịu, hấp thụ đạm, lân. Nó có chức năng hóa sinh cơ bản trong cây như sản xuất chất diệp lục và carbohydrate, hoạt hóa men và duy trì độ bền vững của màng tế bào.

Cây thiếu kẽm

Bo (B)

Bo tham gia vào quá trình phân chia và phát triển tế bào, trao đổi hormon, trao đổi N, nước và chất khoáng khác. Ảnh hưởng rõ rệt nhất của Bo là tới mô phân sinh ở đỉnh sinh trưởng và quá trình phân hóa hoa, thụ phấn, thụ tinh, hình thành quả. Thiếu Bo đỉnh sinh trưởng chết. Có thể thấy hậu quả rõ nhất trên bông lúa, giai đoạn phân hóa bông lúa mà thiếu Bo thì lúa không có bông.

Molypden (Mo)

Molypden rất cần cho vi sinh vật cố định đạm tự do cũng như vi sinh vật cố định đạm cộng sinh. Nó góp phần thúc đẩy quá trình sử dụng đạm của cây, quá trình chuyển hóa lân từ dạng vô cơ sang hữu cơ mà cây hấp thụ được, giúp ích cho vi khuẩn cố định đạm nốt sần cây họ đậu.

Cách sử dụng phân bón vi lượng cho cây trồng

Từ những phân tích trên, có thể thấy vai trò của các nguyên tố vi lượng là vô cùng quan trọng đối với cây trồng. Để bổ sung phân bón vi lượng cho cây trồng, bà con cần nắm được xem cây trồng đang thiếu vi chất gì thông qua biểu hiện trên lá, cành. Đa số các vi chất nói trên đều có thể được cây hấp thụ qua lá hoặc dạng phức hữu cơ. Do vậy, bà con có thể thực hiện một trong những cách sau:

– Bón thẳng vào đất.

– Trộn với phân bón hoặc là ngâm hạt giống, hồ rẽ.

– Phun lên lá.

Khi phun cần chú ý liều lượng theo hướng dẫn để tránh bón thừa khiến cây ngộ độc, nhiễm kim loại nặng, ảnh hướng đến chất lượng nông sản.