Các loại sâu bệnh thường xuất hiện vào những thời điểm cụ thể trong năm hoặc điều kiện thời tiết cụ thể nhất định, nắm được lịch này chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc bảo vệ cây trồng.
1. Cây lúa
Rầy nâu
Thường gây hại nặng trên lúa giai đoạn đòng trỗ-chín, vào tháng 11, 12 trên lúa Thu đông-mùa ở các huyện phía Nam và lứa rầy tháng 01, 02.
Sâu năn – muỗi hành
Sâu năn – muỗi hành thường xuất hiện vào tháng 01, 02 thuộc vụ Đông Xuân trên lúa giai đoạn đẻ nhánh.
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
Xuất hiện trên lúa Thu Đông – mùa và lúa Đông Xuân giai đoạn đẻ nhánh.
Bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá
Phát sinh mạnh trên lúa đẻ nhánh – đòng trong các tháng 10, 11 vụ Thu Đông – mùa và tháng 01, 02 trên lúa Đông Xuân do thời tiết thời tiết lạnh và sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại.
Ốc bươu vàng
Gây hại chủ yếu trên lúa giai đoạn mạ tập trung ở những ruộng trũng, thoát nước kém. Đặc biệt diện tích nhiễm ốc bươu vàng tăng mạnh trong tháng 10, 11 trên đồng gieo sạ.
Sâu phao, sâu đục bẹ, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, bệnh thối thân, chuột… cũng là những đối tượng thường gây hại cục bộ ở vụ Đông Xuân.
2. Cây mía
Các loại bệnh hại như bệnh đỏ bẹ, bệnh đốm đỏ lá, bệnh rượu…phát sinh và gây hại mạnh vào cuối vụ mía (tháng 11 và tháng 12).
3. Rau xanh
Sâu bệnh hại sẽ gia tăng mạnh từ tháng 12 đến tháng 2, do thời tiết lạnh có sương mù và các diện tích rau được trồng mới chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán.
4. Thanh Long
Chú ý bệnh đốm nâu, thán thư… phát sinh và gây hại mạnh khi gặp thời tiết mưa nhiều, sương mù.
5. Đậu phộng (lạc)
Bệnh đốm lá, sâu ăn tạp, rầy xanh, rầy mềm…phát sinh và gây hại trên cây đậu phộng, cao điểm từ tháng 11 đến tháng 1.
6. Cây chanh
Các đối tượng như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh nứt thân, nấm hồng… xuất hiện trên chanh giai đoạn cho trái và ra lộc, đặc biệt tập trung nhiều ở những vườn chanh ít chăm sóc, rậm rạp.
Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý Chất lượng Nông sản