Tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ

Phân bón vô cơ hay còn được gọi là phân bón hóa học là loại phân chủ yếu trong canh tác nông nghiệp với nông dân Việt Nam. Phân vô cơ giúp bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng một cách hiệu quả, nhanh chóng, đem lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, loại phân này là muối khoáng có nguồn gốc thông qua các quá trình vật lý và hóa học. Chúng được cấu tạo từ các nguyên tố hóa học chính N, K, P, Ca, Mg, Cu, Fe, Zn… Do đó, việc làm dụng phân bón vô cơ trong sản xuất sẽ gây ra nhiều mối nguy hại cho nguồn tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái, sức khỏe con người và với cả chính cây trồng.

Tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ tới tài nguyên đất

– Bón phân vô cơ liên tục trong chu kỳ ngắn sẽ khiến các chất hóa học trong phân hấp thu vào đất. Điều này khiến lượng axit trong đất tăng lên, đất trở nên chua và bạc màu. Các mùa vụ sau muốn đạt năng suất cây trồng cần phải cải tạo lại gốc đất cho đất giàu dinh dưỡng trở lại.

– Độ chua đồng nghĩa với việc độ pH của đất giảm. Điều này làm thay đổi môi trường sống trong đất khiến các sinh vật tự nhiên có lợi chết dần. Nguồn đất vì đó mất đi độ tơi xốp, cây khó hấp thu.

– Lạm dụng phân bón vô cơ cũng khiến đất tích tụ kim loại nặng, khá nhiều loại phân bón vô cơ không cung cấp hay không thay thế được chất vi lượng mà cây trồng hấp thu từ đất. Từ đó gây cạn kiệt dần các chất vi lượng có chứa trong đất.

Lạm dụng phân vô cơ khiến đất cằn cỗi, bạc màu

Tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ tới tài nguyên nước

Việc bón dư thừa phân bón vô cơ khiến hóa chất được nước thấm qua đất rồi đi vào sông suối. Nhất là với vùng bón dư thừa phân đạm. Hàm lượng nitrat cao lâu dài sẽ khiến nước chuyển sang màu xanh lục, thối rữa, sủi bọt và bao phủ bề mặt bằng tảo, giết chết các sinh vật sống dưới nước.

Tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ tới cây trồng

Việc lạm dụng phân bón vô cơ không chỉ gây hại tới nguồn đất, nguồn nước mà với cả chính cây trồng. Như đã nói ở trên, bón dư thừa phân bón vô cơ khiến các sinh vật tự nhiên có lợi trong đất chết dần.
Điều này khiến cho cây trồng dễ mẫn cảm với các loại bệnh hơn. Bởi nhiều loại bệnh của cây trồng được khống chế bởi các vi sinh vật phát triển quanh vùng rễ cây. Vì đó cây mất cân đối dinh dưỡng, đề kháng yếu, dễ bị các loại bệnh tấn công.

Ngoài ra, việc bón phân vô cơ liên tục trong thời gian dài với hàm lượng lớn sẽ làm cho hệ thống lông hút của bộ rễ bị bội thực một loại nguyên tố và không còn khả năng hấp thu các chất khoáng khác mà cây thực sự cần nữa. Bón dư thừa phân vô cơ cũng khiến cây ngộ độc, sinh trưởng kém, còi cọc, thậm chí chết đi.

Lạm dụng phân vô cơ khiến cây ngộ độc

Tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ tới con người

Khi bón phân vô cơ với tần suất và hàm lượng lớn mà không được trang bị bảo hộ kỹ, người nông dân sẽ dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe khác như kích ứng mắt và da, gây cảm giác nóng rát. Phơi nhiễm qua đường hô hấp có thể gây kích ứng mũi, cổ họng và phổi gây viêm phổi. Nếu nặng có thể có thể bị buồn nôn, nôn, đỏ bừng mặt và cổ, nhức đầu, căng thẳng, cử động cơ không kiểm soát được, suy nhược thần kinh.

Không chỉ vậy, khi bón quá nhiều phân vô cơ, cây trồng sẽ không hấp thụ hết được. Lượng chất hóa học tồn dư sẽ lắng đọng trong nông sản. Con người khi sử dụng lượng nông sản này sẽ dễ mắc các bệnh ung thư, chứng máu methaemoglobin, phù phổi, suy thận, loãng xương và nhiều bệnh khác.…

Để phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường, bà con cần thay đổi nhận thức về phân vô cơ. Thay đổi tập quán chuyên dụng phân vô cơ trong chăm sóc cây trồng để giảm thiểu tình trạng đã nói trên.