Phòng trừ rệp sáp hại na

Na là một loài cây dễ trồng. Cây na có thể thích nghi trên nhiều nền đất như đất sét, đất pha cát, đất đồi… Na sống khỏe, thích ứng rộng. Cùng với đó là hương vị thơm ngon, sản lượng lớn, cây na mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để na cho quả thương phẩm to, đẹp. Ngoài việc bón phân hợp lý, bà con cần chú ý đến những loài sâu bệnh hại thời điểm na ra trái. Một trong những sâu hại, làm na giảm mẫu mã chất lượng nghiêm trọng đó là rầy sáp.

Đặc tính gây hại của rầy sáp trên cây na

Cơ thể rệp phủ đầy chất sáp trắng như phấn trên lá và quả na. Con cái bám chặt vào bộ phận non như ngọn, quả non để hút nhựa và đẻ hàng trăm trứng li ti ở bụng. Khi mới nở, sâu non bám dính ở mặt dưới lá non để chúng hút nhựa cây cho đến khi trưởng thành. Rệp sáp chích hút làm cho lá bị quăn khiến cây sinh trưởng kém. Đối với quả na, nếu mật độ rầy sáp dày, chúng bao phủ cả bề mặt của quả làm cho quả non bị rụng hoặc bị khô tóp lại đeo bám trên cây. Nếu bị nhẹ quả vẫn phát triển, khi chín thịt quả nhạt, có mùi hôi, hương vị kém.

Không chỉ vậy, khi chích hút quả na, rệp sáp còn tiết ra chất mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Loài nấm này làm xấu mã quả na, giảm giá trị thương phẩm.

Rệp sáp gây hại quả na

Điều kiện sinh trưởng của rầy sáp

Rệp sáp xuất hiện quanh năm trên các vườn na. Khi vườn trồng mất cân bằng sinh thái, không có thiên địch, thiếu thông thoáng… sẽ tạo điều kiện cho chúng phát triển. Rệp sáp gây hại nặng chủ yếu vào mùa nắng như hiện nay. Thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với các đợt mưa rào và dông chính là điều kiện lý tưởng cho chúng sinh sôi, nảy nở và tấn công cây na.

Phòng trừ rầy sáp hại cây na

Nên trồng na với mật độ 3×3-4x4m

Để phòng trừ rầy sáp gây hại na, bà con nên thực hiện một số điều sau:

– Trồng na với mật độ hợp lý. Nếu trồng dày khi gặp nắng nóng, mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho rầy sáp phát triển.

– Thường xuyên tỉa cảnh, dọn vườn tạo độ thông thoáng, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm rầy.

– Cắt bỏ những cành cây, trái khô bị bệnh và tiêu hủy để diệt trừ mầm mống sâu bệnh.

– Tưới nước, bón phân đầy đủ và cân đối theo yêu cầu của cây để cây na khỏe mạnh, có sức chống chịu với rầy sáp.

– Với mật độ rầy thưa, khi tưới vườn, bà con nên tia vòi nước vào chỗ có nhiều rệp bu bám để xối trôi chúng đi.

– Bảo vệ các loài thiên địch như bọ rùa, ong… để tiêu diệt rầy sáp.

– Khi mật độ rầy sáp quá cao, bà con có thể sử dụng thuốc BVTV có chứa hoạt chất Cypermithirn, dimethoate,… để phun trừ. Do rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài nên để có hiệu quả hơn, bà con pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc. Việc này nhằm tăng khả năng bám dính của thuốc lâu hơn.