Vụ Chiêm Xuân là vụ lúa được gieo vào khoảng tháng 12 và thu hoạch vào tháng 4,5 năm sau. Đặc trưng thời tiết của mùa vụ này là lạnh, khô, kèm theo đó là một số loại sâu bệnh đặc trưng như: đạo ôn, rầy nâu và rầy lưng trắng… Trong đó, đạo ôn là loại nấm gây hại, có độ ảnh hưởng cao về năng suất, sản lượng lúa…
Đạo ôn trên lúa là gì?
Đạo ôn là là loại nấm Pyricularia Oryzae gây hại cho lúa. Bệnh phát sinh trong điều kiện trời âm u, thiếu nắng, ẩm độ cao, ruộng lúa xanh tốt do bón nhiều đạm và bón không cân đối N-P-K nên thường xuất hiện vào khoảng tháng 4-5.
Biểu hiện bệnh đạo ôn
- Trên lá, vết bệnh ban đầu là chấm nhỏ màu xanh lục sau phát triển thành hình thoi có màu xám nhạt và cuối cùng là vết điển hình ở giữa màu xám bạc xung quanh có quầng vàng, bệnh nặng nhiều vết to kết lại làm lá lúa vàng cháy.
- Trên cổ bông,… Nấm xâm nhập khi lúa vừa trỗ, vết bệnh ban đầu tái xanh sau đó cổ bông lúa bị khô thắt lại làm cho toàn bộ bông lúa bị khô trắng.
Cách trị bệnh đạo ôn
Khi phát hiện ruộng lúa bị bệnh đạo ôn, bà con ngừng ngay việc bón đạm, không sử dụng phân bón lá mà tăng cường bón thêm kali và không để ruộng bị khô, duy trì mực nước trong ruộng từ 3 – 5 cm và thực hiện phun trừ đạo ôn ngay từ khi bệnh mới xuất hiện bằng 1 trong các loại thuốc đặc hiệu: Fuji-one 40 EC, Fortamin 3SL, Fortamin 6WP, Fuel- One 40EC, Vihino 40EC, Filia 525 SC,…phun kép 2 lần (lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng các loại thuốc khác hoạt chất với thuốc phun lần đầu).
– Trên những ruộng bị bệnh đạo ôn lá, đã được phun trừ nhưng vẫn còn xuất hiện vết bệnh, cần phun lại trước khi lúa trổ 5% để phòng trừ đạo ôn cổ bông, sử dụng 1 trong các loại thuốc đặc hiệu như: Beam 75WP, Filia 525 SE, Kabim 30WP, Bump 650WP,… có thể phun kết hợp với phòng trừ bệnh đen lép hạt bằng các thuốc Tilt super 300 EC, Nevo 330EC, Supertim 300EC,…Phun kép 2 lần ( lần 1sau lần 2 từ 3-5 ngày)…
Phòng bệnh đạo ôn
Để phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả, ngay từ đầu vụ, bà con cần sử dụng giống kháng bệnh, chăm sóc cây khỏe, bón phân cân đối, bón nặng đầu, nhẹ cuối, tránh bón lai dai, rải rác về cuối vụ, tăng cường bón phân chuồng hoai mục, phân lân, phân kali, tránh bón thừa đạm, tưới nước đầy đủ, hợp lý, tránh để ruộng khô.
Bệnh đạo ôn gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, nhưng thường biểu hiện rõ nhất ở thời kỳ lúa đẻ nhánh gây bệnh đạo ôn lá và thời kỳ lúa trổ bông đến chắc xanh gây bệnh đạo ôn cổ bông. Thời điểm này là lúc lúa bắt đầu bén rễ, đẻ nhánh, bà con cần chú ý phòng bệnh kết hợp chống rét để lúa sinh trưởng tốt.