Phòng trị bệnh mốc sương trên cây khoai tây

Tiết trời đã sang đông. Với đặc trưng khí hậu âm u ít nắng, sương mù nhiều, kèm mưa phùn, không khí ẩm thấp sẽ là điều kiện lý tưởng để phát sinh gây ra bệnh mốc sương trên cây khoai tây. Đây là loại bệnh phổ biến và thường gây thiệt hại lớn nếu không được phòng trừ kịp thời.

Triệu chứng cây khoai tây nhiễm bệnh mốc sương

Bệnh mốc sương biểu hiện trên cả lá, thân và củ khoai tây. Cụ thể:

– Trên lá: Đầu tiên bệnh xuất hiện ở mép lá là một đốm nhỏ màu xanh tái hơi ướt, không có ranh giới rõ rệt, sau đó lan rộng vào bên trong phiến lá thành vết lớn, màu nâu đen, có ranh giới rõ rệt, vết bệnh có thể xâm nhiễm hết phiến lá và cả cuống lá. Lá bị thâm tái và teo tóp lại. Trong điều kiện ẩm ướt, vết bệnh được phủ nhẹ một lớp nấm trắng mỏng, biểu hiện mạnh ở mặt dưới lá. Bệnh tiến triển, vết bệnh mau chóng lan rộng và làm toàn bộ lá bị thối rụi.

Biểu hiện bệnh mốc sương trên lá khoai tây

– Trên thân cành: Vết bệnh trên thân cây thường không đều. Chúng có màu nâu, thâm đen. Vết bệnh ngày càng lan rộng ra xung quanh và kéo dài dọc theo thân, cành, cuống lá. Vết bệnh bọc quanh từng đoạn thân và hơi lõm vào. Thân cành bị bệnh tóp nhỏ lại, thối mềm, trở nên dễ gãy.

– Trên củ: Vết bệnh không có hình dạng nhất định. Chúng có màu nâu-nâu xám, hơi lõm sâu vào bên trong phần thịt củ. Khi cắt ngang chỗ bị bệnh thấy vỏ củ có màu nâu ăn sâu vào tới ruột củ theo những vệt nâu rõ. Sau một thời gian vết bệnh hình thành lớp nấm trắng xốp. Củ khoai tây bị bệnh có thể bị teo khô hay thối ướt.

Nguyên nhân gây bệnh mốc sương trên cây khoai tây

Bệnh mốc sương trên cây khoai tây do nấm Phytophthora sp. gây ra. Loài nấm này truyền từ vụ này sang vụ khác thường bằng sợi nấm tiềm sinh ở trong củ bệnh và tàn dư cây bệnh.
Bệnh mốc sương phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết trời nhiều mây âm u, mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí cao, ruộng khoai ẩm ướt…

Những vườn khoai rậm rạp, thoát nước kém cũng là điều kiện lý tưởng để loài nấm này xâm hại.

Bệnh mốc sương khiến thân cây dễ gãy, trên thân phủ một lớp nấm trắng

Phòng trị bệnh mốc sương trên cây khoai tây

– Vì nấm bệnh lây truyền từ tàn dư cây bệnh, từ vụ này sang vụ khác nên điều đầu tiên bà con cần làm là phải vệ sinh đồng ruộng, bón vôi trước khi trồng.

– Trong quá trình gieo trồng, thường xuyên thăm đồng và loại bỏ các lá già, lá bệnh đem tiêu hủy xa vườn.

– Thực hiện luân canh với cây trồng khác họ để cải tạo gốc đất, ngăn ngừa lây bệnh

– Chọn củ giống sạch bệnh và xử lý củ giống trước khi trồng.

– Làm luống trồng cao, dễ thoát nước để hạn chế tình trạng ẩm ướt cho khoai tây.

– Trồng cây theo mật độ khuyến cáo của trung tâm khuyến nông khu vực.

– Bón phân cân đối dinh dưỡng.

– Khi ruộng khoai tây bị bệnh, bà con có thể sử dụng thuốc BVTV chứa hoạt chất Mancozeb và kết hợp với một số hoạt chất khác như Metalaxyl hoặc Cymoxanil để phun trừ.