Sầu riêng là loại cây ăn trái lâu năm, cho hiệu quả kinh tế lớn. Ở các chuyên mục trước, AVN đã hướng dẫn bà con cách chặn đọt sầu riêng để cây nuôi trái, quy trình chăm bón sầu riêng cho sai quả. Tuy nhiên, để sầu riêng đạt năng suất và chất lượng cơm chuẩn, bà con cần chú ý đến các loại bệnh hại. Sầu riêng thường xuyên bị nhiều loại bệnh tấn công. Các loại bệnh không chỉ hại lá, hại trái mà còn đe dọa đến sinh tồn của cây. Các loại bệnh chủ yếu, gây hai nặng trên sầu riêng đó là: nấm bồ hóng, thán thư, thối vỏ cháy mủ, đốm rong, rệp phấn trắng, cháy lá… Trong đó, nấm bồ hóng hay còn gọi là bệnh muội đen là một trong những bệnh hại rất phổ biến trong mùa mưa hiện nay.
Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh bồ hóng trên sầu riêng
Bệnh bồ hóng hay còn gọi là bệnh muội đen có thể do nhiều loại nấm gây ra như Meliola durionis, Capnodium moniliforme, Polychaeton sp, Phragmocapnias betle… Trong đó nấm Capnodium là tác nhân chủ yếu.
Bệnh phát sinh trên lá và trái sầu riêng. Bệnh thể hiện những đốm với sợi nấm màu đen như lớp bồ hóng bám ở mặt lá. Nấm không gây hại phần phiến lá hay thịt trái mà việc nấm phát triển làm giảm khả năng quang hợp của cây. Từ đó làm rụng hoa và quả non; gây trở ngại cho quá trình hấp thụ nhiệt, khiến quả xanh xám và không lớn được.
Nấm bệnh thường tấn công những khu vực tán cây rậm, cành non, độ ẩm cao. Chúng đặc biệt sinh trưởng và nhân rộng khi cây bị các loài rệp tấn công. Bởi loài nấm nay rất ưa dịch tiết ra từ rệp.
Điều kiện sinh trưởng của nấm bồ hóng
Bệnh bồ hóng phát sinh và tăng trưởng mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao như hiện nay. Ngoài ra, khi cây sầu riêng có vết thương cơ giới lên thân và rễ cũng tạo điều kiện cho nấm bồ hóng gây hại.
Bên cạnh đó, khi vườn cây không được chăm bón kỹ, tán cây rậm rạp, thiếu dinh dưỡng cũng khiến cây dễ nhiễm bệnh.
Phòng trừ bệnh bồ hóng trên sầu riêng
Từ nguyên nhân và điều kiện sinh trưởng bệnh hại, ta có thể phòng trừ bệnh bồ hóng trên sầu riêng bằng việc kết hợp những kỹ thuật sau:
– Chọn giống chất lượng cao, kháng bệnh.
– Chăm bón cây đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp từng giai đoạn.
– Thường xuyên cắt tỉa cành, không để vườn rậm rạp, ẩm thấp.
– Khi làm cỏ, vun gốc chăm sóc cây, chú ý không tạo vết thương cơ giới cho sầu riêng.
– Trồng cây theo mật độ khuyến cáo của trung tâm khuyến nông.
– Kiểm soát côn trùng, đặc biệt là rệp dính, rệp sáp, rầy mềm – những loài tiết ra mật ngọt thu hút, kích thích nấm bồ hóng phát triển.
– Khi cây sầu riêng xuất hiện biểu hiện bệnh, bà con nên sử dụng thuốc BVTV để diệt trừ rầy, rệp. Có thể kèm theo phun thuốc trừ nấm gốc đồng và hạn chế phun phân qua lá cho cây để việc trị bồ hóng hiệu quả hơn.