Kỹ thuật tưới vườn cây

Cây chỉ cần ẩm, không cần ướt

Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Khi đất quá ướt và ngậm nước, các lỗ tế khổng trong đất sẽ ngập đầy nước, rễ thiếu oxi và nếu chúng ta duy trì tình trạng tưới quá ẩm như này lâu dài sẽ ảnh hưởng tới rễ, thậm chí thối cả rễ.

Thực tế, nhiều vườn tưới quá ẩm mà không hề biết điều đó vì đa số chỉ quan sát lớp đất mặt để tưới. Chính lớp đất mặt đủ ẩm nhưng cách tưới sai đã làm lớp đất ở tầng dưới (thường là sâu từ 10-15cm trở xuống ở trong tình trạng ngậm nước). Gặp tình trạng này trong mùa khô, cây không chết nhưng sinh trưởng chậm, lá già vàng rụng, lá bị cháy rìa lá,… nuôi trái không nổi vì bộ rễ bị nước khống chế không hoạt động tốt.

Khi chưa quen về tưới, hãy kiểm tra kỹ lớp đất mặt và lớp đất dưới tầng đất mặt, nếu tầng mặt khô thiếu nước, tầng dưới vẫn ẩm tốt thì chỉ cần tưới lượng nước vừa đủ cho tầng mặt, khi tầng mặt có nước đủ, nước sẽ thẩm thấu từ từ xuống tầng dưới và duy trì ẩm tốt cho đất, rễ hoạt động.

Có một điều thực tế là một số vườn khi chưa có điều kiện đầu tư hệ thống tưới thì cây khá xanh tốt khi tưới tay thủ công nhưng khi đầu tư hệ thống tưới bài bản thì cây lại gặp nhiều vấ đề về rễ, hư rễ, cháy rìa lá do tổn thương rễ, lèn nhão đất kéo dài v.v. Lỗi thường gặp là hệ thống béc không điều chỉnh theo tán cây, béc tưới gần gốc làm đọng nước vùng rễ nhiều hơn lượng nước cây cần ( do tia nước tạt vào thân cây chảy đọng vào vùng cổ rễ) và cái chính là chỉ bật công tắc là tưới rất tiện nên ngày nào cũng tưới làm tồn dư rất nhiều nước vùng rễ cây…

Tưới phải duy trì độ ẩm

Với điều kiện nắng gió gay gắt vào mùa khô, ẩm độ tại gốc sẽ luôn dao động. Có ngày thì đất ẩm đẹp nhưng có ngày khô rốc rồi sau khi được tưới lại ẩm. Điều kiện ẩm độ thay đổi liên tục như vậy cũng là không tối ưu cho sinh lý cây trồng.

Lúc này chúng ta nên quan tâm tới vật liệu tủ gốc và giữ cỏ để điều hòa ẩm độ trong vườn. Tránh việc cắt cỏ quá sát gốc làm shock cây. Trong mùa nắng, việc giữ ẩm gốc bằng tủ rơm hoặc để cỏ che mát đất giúp cây phát triển rất tốt, đây là mùa mà nếu chăm sóc kỹ sẽ hiệu quả hơn mùa mưa nhiều nếu chúng ta làm tốt khâu che phủ gốc tốt.

Mùa nắng, nếu chỉ tưới trong phạm vi bộ rễ và vùng tán lá thì nền nhiệt do mặt trời chiếu sẽ làm khô đất từ vùng đất dần vào đến nơi giáp với tán cây, và điểm khô nóng đầu tiên sẽ là vùng quanh rìa tán (do trong tán có bộ lá che nên ít bị nung nóng hơn ngoài đất), nơi mà khi bộ rễ phát triển ăn rộng ra (rễ sẽ tạo mới nhiều nhất và là rễ non giai đoạn cây bung chồi tập trung nhiều nhất vùng rìa tán nếu cây khoẻ) sẽ sẽ gặp điều kiện bất lợi về nền nhiệt để mạnh mẽ vươn xa vì vậy tối thiểu nên tưới xa ra ngoài tán ít nhất 1,5m để giữ sự ổn đỉnh cho môi trường đất để chào đón bộ rễ mới. Sự gián đoạn giữa 2 lần tưới nên hợp lý tránh tình trạng giữa 2 chu kỳ tưới đất quá khô thì cũng làm ảnh hướng rất lớn đến bộ rễ vùng mặt đất, đặc biệt là giai đoạn chồi non đâm ra nhiều cây sẽ rất đang có rất nhiều rễ non, tưới gián đoạn nước sẽ làm hỏng bộ rễ. Khi rễ cây mà gặp điều kiện khắc nghiệt khi đang nuôi chồi non thì các ngọn non sẽ yếu, bộ lá cây vàng hoăc cháy rìa lá là điều tất yếu chứ không phải cây bệnh hay thiếu dinh dưỡng.

Tưới cây khung giờ nào

Đó chính là khung giờ từ 3 giờ chiều cho tới tối. Ban đêm ẩm độ không khí cao, ít gió và không có nắng nên lượng nước tưới bốc thoát vào không khí là thấp hơn nhiều so với tưới vào buổi sáng sớm. Ngoài ra tưới đêm nước còn thấm sâu hơn xuống các tầng rễ bên dưới. Sẽ có ý kiến rằng tưới đêm sẽ dễ gây nấm bệnh, ok điều này không sai, nhưng với vườn quản lý tốt, sạch sẽ, thoáng cây và nhiệt độ vườn không ẩm thấp thì không quá lo những tiểu tiết nhỏ này vì chúng ta đang tính cho mùa khô.

Nguồn: Lê Ngọc Trác