Thời điểm này, các trà vải đương ra quả non. Đây chính là lúc cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả nhất. Năng suất vườn vải có cao hay không, hương vị có thơm ngon hay không và mẫu mã quả vải có căng, đẹp hay không phụ thuộc vào kỹ thuật bà con chăm bón vải giai đoạn này.
Dưới đây, AVN xin hướng dẫn bà con một số kỹ thuật cơ bản, cần thiết trong giai đoạn vải ra quả non.

Bón phân
Giai đoạn 1: Khi vải đậu quả được 10-15 ngày:
Bà con bón bổ sung phân đạm để quả vải có vỏ dày, điều này sẽ giúp quả ít bị nứt khi quả lớn lên đồng thời duy trì bộ lá khỏe, bảo đảm nuôi quả tốt.
Sử dụng 0,1-0,2 kg urê bón cho 10 m2 tán. Bà con rắc đều urê vào trong tán cây sau đó tưới đẫm nước cho phân tan, đủ ngấm vào đất. Sau khi bón phân được khoảng 5 ngày thì tưới thêm nước. Có thể dùng các loại phân giàu đạm như: phân chuồng, phân NPK… để bón thay thế. Đối với những loại phân bón này cần rải đều lên bề mặt phía trong tán cây rồi phủ kín bằng một lớp đất mỏng rồi mới tưới nước.
Giai đoạn 2: Khi vải phát triển có kích thước bằng hạt lạc:
Thực hiện bón kali nuôi quả lần 1 và bón lần 2 sau lần 1 từ 15-20 ngày.
Lượng bón trung bình mỗi lần từ 0,1-0,2 kg kali/10 m2 tán. Bà con thực hiện rải đều kali vào trong bóng tán cây rồi tưới nước khắp bề mặt cho phân tan và ngấm ẩm.
Có thể phun bổ sung thêm các loại phân vi lượng (Bo, Mo…) qua lá (lượng theo khuyến cáo trên bao bì) để tăng tỷ lệ đậu quả, giảm rụng quả sinh lý.
Đối với những cây sai quả hoặc cây già, cằn cỗi, bà con có thể bón thêm 1 đợt phân nữa trước thời điểm thu hoạch khoảng 15 ngày. Lượng phân bón dùng thêm 0,1 kg urê + 0,1-0,2 kg kali/10 m2 tán để quả to, mọng, đẹp mã, hương vị thơm ngon.
Phòng trừ sâu bệnh

Các loại sâu bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn quả non là bọ xít, sâu đo, thán thư, sâu đục cuống quả… do đó, bà con cần thường xuyên theo dõi vườn vải, dọn dẹp vệ sinh, thu gom và tiêu hủy vải rụng, lá rụng, tạo độ thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ cho sâu hại sinh sống.
– Khi phát hiện vườn vải có sâu đục cuống gây hại, bà con có thể dùng thuốc BVTV chứa hoạt chất Abamectin và Azadirachtin, và Chlorfluazuron để phun trừ.
Bà con có thể phun phòng trừ theo các thời điểm sau:
Giai đoạn hình thành quả và giai đoạn quả bắt đầu đỏ cuống. Trên vải sớm, các thời điểm từ 10/3 – 15/3 và 20/4 – 25/4 . Trên vải chính vụ, các thời điểm 10/4 – 20/4 và 15/5 – 30/5 hàng năm (trước thu hoạch 15 – 20 ngày).
– Với bọ xít gây hại, cần loại bỏ các ổ trứng ở mặt dưới lá, phun thuốc chứa hoạt chất Alpha – Cypermethrin để tiêu diệt chúng.
– Đối với bệnh thán thư, bà con sử dụng thuốc Score 250EC 0,05%, Oxiclorua đồng 0,3%, Bavistin 0,1% để phun trừ.