Hiện nay, thời tiết khu vực Bắc Trung Bộ với nhiều diễn biến phức tạp. Nắng nóng và mưa xen kẽ. Nhiệt độ và độ ẩm cao tạo điều kiện cho nhiều loài sâu bệnh tấn công lúa vụ thu-mùa. Thời điểm này lúa đã bắt đầu làm đòng, chín sữa. Ngoài sâu cuốn lá, sâu đục thân… đe dọa gây hại đến cây lúa thì bệnh vàng lá lúa sinh lý cũng là loại bệnh hại mà bà con cần chú ý.
Dấu hiệu bệnh vàng lá sinh lý trên lúa
Khi bị vàng lá sinh lý, cây lúa có biểu hiện lá vàng, cháy đầu lá màu vàng đỏ hoặc đầu lá lúa héo khi nhiệt độ tăng cao, cường độ ánh sáng mạnh.
Một số diện tích do thiếu phân bón thúc nên lá lúa chuyển vàng, trên lá lúa phát sinh bệnh đốm nâu, tiêm lửa.
Cây lúa còi cọc, chậm phát triển, ít đẻ nhánh. Khi nhổ lên thây rễ thâm đen, ít rễ trắng, có mùi thối và tanh. Bệnh nặng sẽ khiến cây lúa lùn và chết dần.
Nguyên nhân khiến cây lúa bị vàng lá sinh lý
Bệnh vàng lá lúa sinh lúa thường phát sinh và gây hại mạnh trên những thửa ruộng dộc chua, lầy thụt, ruộng cày bừa không kỹ, ruộng cấy sâu tay, ruộng trũng…. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay, nước trong ruộng ứ đọng lâu ngày, các chất hữu cơ trong ruộng lúa phân hủy mạnh sản sinh các khí H2S, CH4, CO2, SO2, … khiến lúa kém phát triển, sinh bệnh vàng lá sinh lý.
Ngoài ra, những ruộng lúa mà vụ gieo trồng bị khô. Sau khi có nước vào ruộng, bà con nông dân mới bắt đầu làm đất, cày bừa và gieo sạ sau thời gian ngắn 7-10 ngày. Điều này khiến quá trình phân hủy xảy ra đồng thời với sự sinh trưởng của cây lúa làm chúng nghẹt rễ, lúa bị vàng sinh lý.
Khắc phục bệnh vàng lá sinh lý trên lúa
Thời điểm này, lúa đã làm đóng chín sữa. Nếu phát hiện lúa bị vàng lá sinh lý, bà con nên thực hiện:
– Rút bớt nước ruộng và sục bùn. Điều này giúp tăng khả năng trao đổi khí của đất; giải phóng khí độc trong đất.
– Ngưng bón các loại phân có hàm lượng đạm cao hoặc phân hữu cơ chưa hoai; kết hợp rải 15 – 20 kg/sào vôi bột và 10 – 15 kg/sào lân bột khi sục bùn. Đồng thời sử dụng các loại phân bón có hàm lượng lân cao để bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho cây lúa. Sử dụng phân bón vi lượng trên diện tích lúa chuyển màu vàng do giống mẫn cảm với điều kiện thời tiết.
– Đối với diện tích lá lúa có biểu hiện vàng, phát sinh bệnh đốm nâu, tiêm lửa nên sử dụng phân đạm và kali với lượng phân: đạm: 1,5 – 2kg; kali: 3 – 4 kg.
– Khi thấy lúa hồi phục ra rễ và lá non tiến hành chăm sóc, bón phân như bình thường.
Hiện nay, ngoài bệnh vàng lá sinh lý thì cây lúa cũng có khả năng nhiễm vàng lá vi khuẩn. Bà con cần quan sát và phân biệt rõ trước khi xử lý để có hiệu quả trị bệnh cao.