Sâu xám, sâu khoang, sâu keo… là các loài sâu gây hại nguy hiểm cho cây trồng. Chúng cắn phá cây, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn và gây suy giảm năng suất mùa vụ.
Để diệt trừ các loài sâu hại này, ngoài việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bà con có thể kết hợp thêm phương pháp sinh học với “Bẫy chua ngọt”.
Bẫy chua ngọt diệt sâu là gì?
Như tên gọi của nó, bẫy chua ngọt là loại bẫy có hương vị chua ngọt pha lẫn, là một loại bẫy thức ăn được áp dụng để thu hút trưởng thành các loài côn trùng ưa thích mùi vị chua ngọt và sau đó tiêu diệt chúng.
Bẫy là sự kết hợp giữa một số nguyên liệu thiên nhiên và thuốc bảo vệ thực vật đặc trị sâu.
Theo nghiên cứu thì con trưởng thành của một số loài như: Sâu cắn gié lúa, sâu keo, sâu ăn tạp (sâu khoang), sâu xám… có sở thích ăn thêm các loại thức ăn có mùi chua ngọt trước khi giao phối, đẻ trứng. Do đó, sử dụng bẫy chua ngọt sẽ hấp dẫn trưởng thành sâu đến ăn thuốc BVTV làm cả trưởng thành đực và cái ngộ độc chết.
Cách làm bẫy chua ngọt
Nguyên liệu (cho 1 ha với 2-3 lần bổ sung bẫy)
– Mật mía (hoặc rỉ mật, đường phên): 40% (4 lít)
– Dấm (tốt nhất là dấm hoa quả): 40% (4 lít)
– Rượu trắng: 10% (1 lít)
– Nước sạch: 10% (1 lít)
Thực hiện
– Cho các loại nguyên liệu trên vào chậu khuấy kỹ, trộn đều. Sau đó đem ủ kín trong can nhựa, lu, vại, hoặc dụng cụ khác có nắp đậy trong 3 – 4 ngày, khi dung dịch có mùi thơm thì mang ra làm bả.
– Để bẫy có tác dụng trị sâu, bà con cần tiến hành pha bả với thuốc trừ sâu. Tỷ lệ khuyến cáo là 10 ml thuốc trừ sâu với 3 lít dung dịch chua ngọt. Bà con nên chọn thuốc độc qua đường miệng. Thuốc có ít mùi hoặc không có mùi nếu không sẽ át mất mùi chua ngọt của bẫy, làm bẫy kém tác dụng.
– Dùng giẻ, bông thấm nước hoặc bã mía tẩm đẫm 30-5-ml dung dịch bả độc hoặc rót dung dịch bả độc vào các đĩa, cốc, lọ nhựa rộng miệng. Sở dĩ chọn loại miệng rộng là nhằm mục đích cho sâu trưởng thành bay vào đậu, hút dịch và bay ra được. Sau đó chúng dưới bó lá dừa, bó rơm rạ hoặc vật che chắn không để nước mưa rơi vào làm loãng bả độc.
Thời điểm đặt bẫy chua ngọt
Để bẫy sâu keo, đặt bẫy khi sâu bước vào giai đoạn làm nhộng. Trên cây lúa nên đặt bẫy khi lúa giai đoạn đòng già để vừa bẫy bắt trưởng thành vừa xác định được mật độ bướm trên đồng ruộng. Chiều tối đem cắm bẫy, sáng hôm sau thu gom bướm, làm liên tục cho đến khi lúa chín sữa.
Với cây ngô, tiến hành đặt bẫy khi cây ngô mới ra lá đầu tiên. Cần bổ sung bả chua ngọt 3-5 ngày/lần ở giai đoạn ngô 1 lá đến xoáy nõn. Nên đặt bẫy trong suốt vụ ngô để diệt trưởng thành sâu keo mùa thu.
Mật độ đặt bẫy
Để sử dụng bẫy hiệu quả cứ khoảng 8 – 10 m đặt 1 cái. Đặt 50-100 bẫy/ha (1 bẫy cho 50-100 m2 ruộng ngô). Trung bình cứ 1 sào đặt khoảng 5 – 6 bẫy. Sau 3 – 5 ngày nhúng tẩm lại dung dịch bả một lần.
Chiều cao đặt bẫy lý tưởng là treo trên cọc có chiều cao khoảng 80 – 120 cm để thuận lợi bướm di chuyển đến bẫy.