Cách trồng su su sai lúc lĩu quả!

Su su là loại cây vừa cho quả, lại vừa cho ngọn làm rau xanh. Món ăn từ quả hay ngọn su su đều thơm ngon, bổ dưỡng nên rất được ưa chuộng, từ món ăn gia đình cho đến nhà hàng. Cây su su có đặc tính ưa lạnh, hoa đơn tính, thụ phấn đậu quả nhờ ong bướm. Do vậy, nếu trồng không đúng thời vụ, chăm sóc không đúng cách sẽ cho năng suất không cao.

Bài viết này, AVN sẽ hướng dẫn bà con cách trồng su su cho sai lúc lĩu quả nhé!

1. Thời vụ trồng su su

Su su là cây ưa lạnh nên mùa vụ gieo trồng tốt nhất là trồng vào tháng 9 âm lịch, thu hoạch từ tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau.

Nếu trồng sớm quá hoặc muộn quá sẽ ảnh hưởng đến khả năng đậu quả, năng suất quả sẽ không cao.

2. Chọn giống

Quả su su giống

Để trồng su su, bà con có thể dùng hạt, cành hoặc quả. Trong đó, trồng su su bằng quả giống là phương pháp thông dụng nhất.

Bà con nên chọn những quả su su to, chắc khỏe, gai cứng, không bị bầm dập, đã nảy mầm 1 mầm mập dài khoảng từ 10-15cm và có 2 đến 3 lá thật.

3. Bón lót, làm đất

Su su rất dễ sinh trưởng nên bà con có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau song phải đảm bảo được độ dinh dưỡng và tươi xốp, có độ pH từ 6.0 đến 6.5.

Để su su sinh trưởng tốt, bà con nên đào hố trồng với kích thước rộng 80-100cm, sâu 40-50cm. Các hố cần đào thẳng hàng, cách nhau 2,5-3,0m. Đổ nhiều mùn rác, phân bón hoai mục như phân gà, phân chim với khối lượng 2-3kg… và vôi bột 0,1 kg, lân supe 0,2 kg, kali sun phát 0,05-0,1 kg vào hố. Sau đó để chừng một tuần rồi mới đặt quả giống xuống.

Mỗi hốc trồng 3-4 quả, cách nhau 30-40cm, sau đó lấp đất phủ kín quả giống, chỉ để hở mầm.

Bà con chú ý phải trồng từ 250-360kg/ha quả giống để đảm bảo mật độ 1.000-1.500 cây/ha.

4. Làm giàn

Khi cây su su tăng trưởng có chiều cao từ 25-30cm, có 3-5 lá là thời điểm thích hợp để bà con làm giàn cho cây leo. Cách làm giàn cho cây su su cũng tương tự với cách làm giàn cho cây bầu, bí, cao 1,8-2m. Khi su su mọc dài 1-1,5m thì cắm dóc cho cây leo lên giàn.

Bắc giàn cho su su

5. Tưới nước

Cây su su thích ẩm, sinh trưởng tốt trong điều kiện độ ẩm khoảng 70-75% nên bà con nên duy trì tưới ngày 1-2 lần. Nếu trời nắng gắt, đất khô cằn thì lại cần tăng số lần tưới nước sao cho đảm bảo được độ ẩm trong đất. Dù ưa ẩm nhưng loài cây này lại cũng không chịu được ngập úng nên khi trồng su su, cần phải có hệ thống thoát nước nhanh để tránh cây bị úng chết trong những ngày mưa lớn.

6. Bón phân

Thời điểm bón thúc cho su su là khi cây chớm leo giàn, dùng phân đạm hoà với nước tưới, sau 2-3 đợt thu ngọn (10-15 ngày) lại tưới thúc 1 lần.

Tổng lượng đạm bón cho 1 sào là 50 kg, trong một năm bón thúc từ 12-15 lần, lượng phân bón mỗi lần giảm dần về cuối vụ.

Sau khi cây ra hoa, đậu quả, để giữ quả non, bà con cần phải bổ sung thêm dưỡng chất để cây nuôi quả, bằng cách bón thêm phân NPK, phân kali quanh gốc. Bón phân không những giúp chống rụng quả non mà còn giúp quả to, đẹp.

7. Phòng trừ sâu bệnh

Cây su su là loại cây dễ bị rệp muội tấn công khiến cây chùn ngọn, kém phát triển. Khi đậu quả lại phải đối diện với tình trạng ong chích quả. Do đó, trong quá trình trồng cây, để phòng ngừa bệnh, ngoài việc bắc giàn thấp, bà con cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, cho xử lý phun thuốc kịp thời.