Tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, là thời điểm vụ hè thu và thu đông, cũng là mùa mưa với khu vực phía nam nước ta. Hồ tiêu là cây trồng thích ẩm mà không chịu được úng nên giai đoạn này rất dễ bị sâu bệnh hại tấn công, phát triển kém khiến năng suất, sản lượng suy giảm.
Do đó, bà con khi canh tác hồ tiêu nên chú ý các điểm sau:
1. Tạo hệ thống thoát nước ngằm hạn chế ngập úng cho hồ tiêu
Hồ tiêu là cây ưa ẩm song lại không chịu được ngập úng. Do vậy, bà con cần tạo cho vườn tiêu hệ thống thoát nước hợp lý, tránh để rễ bị ngập úng quá lâu gây thối rễ và bị nấm bệnh tấn công.
Không chỉ thế, sau những ngày mưa dầm, khi đất bà con cũng nên hạn chế đi lại trong vườn để tránh gây ảnh hưởng đến bộ rễ và thân tiêu.
2. Bón phân cho hồ tiêu
Do mùa mưa có nền nhiệt không ổn định, độ ẩm cao, trời mưa cây bị tổn thương do nóng và khô làm cây bị sốc nhiệt ẩm nên hồ tiêu thường cho năng suất không cao bằng vụ xuân sớm. Điều này dẫn đến việc bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón với tâm lý nâng cao năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, việc sử dụng liều lượng, chủng loại phân bón không phù hợp có thể không cải thiện năng suất mà ngược lại còn gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, môi trường và làm tăng chi phí đầu tư.
Cây hồ tiêu là một trong những cây nhạy cảm với các dưỡng chất, đặc biệt các trung – vi – lượng. Chính vì vậy, bà con nên sử dụng các phân chuyên dùng cho cây hồ tiêu. Các nguyên tố trung-vi lượng này sẽ giúp bộ rễ cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống chịu cao với các thay đổi của thời tiết, tăng khả năng chịu sốc nhiệt cao, giúp cây khỏe và sinh trưởng tốt hơn.
Bà con cần chú ý bón phân theo liều lượng phù hợp với thời tiết, những ngày thời tiết ổn định có thể bón 4-5 lạng/cây còn khi thời tiết bất lợi mưa nắng thất thường thì giảm lượng bón còn 2-3 lạng/cây với lượng bón dày hơn.
Chú ý, vào đầu mùa mưa, nên bón phân NPK có hàm lượng đạm và lân cao hơn kali.
3. Phòng trừ bệnh hại
Mùa mưa độ ẩm cao, nhiệt độ, thời tiết thất thường nên rất dễ gây nên bệnh hại cho hồ tiêu. Bà con nên sử dụng các chế phẩm sinh học có vi sinh vật đối kháng như Trichoderma, Pseudomonas, Paecilomyces, Metarhizum….. 2 – 3 lần trong mùa mưa để phòng bệnh cho vườn.
Ngoài ra cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh.
4. Làm cỏ cho vườn tiêu
Mặc dù thảm cỏ có công dụng chống sói mòn đất, cân bằng thảm thực vật song bà con không nên để vườn tiêu âm u, rậm rạp bởi trong điều kiện mưa ẩm sẽ làm tăng nguy cơ bị sâu bệnh hại. Vào những ngày trời quang mây tạnh, bà con nên dọn dẹp cỏ vườn, phát quang cây dại để vườn thông thoáng, hồ tiêu cũng được đón nắng nhiều hơn, phát triển tốt hơn.