Các loại cây có múi phổ biến bao gồm Cam, Bưởi, Quýt, Phật thủ… đều có họ với nhau, do đó các loài sâu hại cũng tương tự nhau.
Dưới đây là những loại sâu hại chính, Quý khách hàng có thể tham khảo các nội dung được liệt kê như dưới đây
Rầy chổng cánh (Diaphorina citri):
Đặc điểm gây hại
Rầy chổng cánh chích hút lộc non, nếu mật độ cao sẽ làm lá và chồi non dị dạng. Nguy hiểm nhất là truyền bệnh Greening từ cây bệnh tới cây khoẻ, làm cây tàn lụi.
Điều kiện phát triển
Rầy hoạt động từ tháng 2 tới tháng 11, 1 năm có khoảng 10 lứa, chích hút lộc non của cây: Lộc xuân (T1-2), lộc hè, lộc thu và lộc đông
Biện pháp phòng trừ:
- Thực hiện vệ sinh đồng ruộng một cách đồng bộ
- Kết hợp với phòng trừ các loài sâu bệnh hại khác: rệp, sâu vẽ bùa…
- Dùng thuốc trừ sâu theo hướng dẫn cụ thể
Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella):
Là một trong những loại sâu phổ biến nhất gây hại trên cây có múi, chủ yếu phá hại ở thời kỳ vườn ươm và trong thời gian 3-4 năm đầu khi cây mới trồng.
Đặc điểm sâu hại
Sâu non dài khoảng 3mm, bướm sâu vẽ bùa có sải cánh khoảng 4mm, đẻ trứng dưới mặt lá non, búp non. ấu trùng xâm nhập vào dưới biểu bì và ăn thịt lá, các đường rãnh thường chứa phân màu thẫm; lá bị gây hại càng ngày càng bị biến dạng co rúm lại, vặn vẹo, nhỏ đi và cuối cùng là bị khô đi, dẫn tới cây phát triển chậm.
Sâu non nhỏ, màu trắng và thường nằm ở cuối các đường đục trong lá. Mỗi bướm cái có thể đẻ 40-120 trứng, bướm chỉ đẻ 1 trứng/1 lá non.
Điều kiện phát sinh, phát triển
Bướm sâu vẽ bùa có thể đẻ tới 12 lứa/năm. Ở miền Bắc sâu hoạt động chủ yếu trên lộc hè và lộc thu chính vụ (phá hại mạnh nhất từ tháng 2 đến tháng 10). Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sâu thường phá hại mạnh vào đầu và cuối mùa mưa. Sâu chủ yếu ở những cây dưới 5 năm tuổi.
Phòng trị bệnh
- Áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ngay từ nhỏ.
- Cắt bỏ và tiêu huỷ ngay các lá bị sâu hại
- Sử dụng thiên địch là ong kí sinh.
- Tiến hành phun thuốc vào thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên và ngay sau khi có đợt lộc non (1-2 lần).
Sâu đục thân cành
(Chelidonium argentatum, Nađezhiella cantorri, Anoplophora sp):
Đặc điểm nhận diện
- Sâu non đục lỗ vào trong thân gỗ, tạo thành đường hầm ngày càng lớn theo sự phát triển của nó, phá huỷ phần giác gỗ. Lỗ đục có thể tròn hay elíp. ở chỗ sâu đục, cây chảy nhựa và một số mùn gỗ trắng rơi ra ngoài từ các lỗ đục. Mức độ phá hại có thể nhận biết qua lượng mùn cưa do sâu non đẩy ra ngoài. Cành bị sâu đục khô héo và chết.
- Sâu đục thân phá hại cây từ 2–10 năm tuổi.
Sự phát sinh, phát triển:
- Sâu chỉ có 1 lứa trong năm, xuất hiện chủ yếu (đẻ rộ) trong thời gian tháng 5, 8, 9. Con cái đẻ trứng trên thân cây hoặc cành, thường là những vết nứt của vỏ. Sâu non có màu trắng sữa, dài tới 60mm, không rõ chân, phía trước to hơn phía sau. Bọ trưởng thành là một loài xén tóc có màu nâu xám hoặc màu lục ánh bạc. Bọ trưởng thành rất ít gây hại, đẻ trứng vào nách cành nhỏ cỡ 66 mm, mỗi cành 1-2 trứng. Trứng hình vảy ốc, màu vàng nhạt giống hạt ớt.
- Nhộng hình thành từ tháng 3-tháng 5.
- Vòng đời của sâu: Trưởng thành (4-5 ngày); trứng (8-13 ngày); sâu non (9 tháng); nhộng (1-1,5 tháng).
- Sâu non sau khi nở đục ngay vào trong cành rồi đục xuống thân, gây hại nghiêm trọng cho cam từ 2 – 10 tuổi, hại từ 20 – 100 số cành. Một cây có thể bị tới 50 sâu đục phá huỷ phần thân gỗ làm cây bị khô héo cành và chết.
Biện pháp phòng trừ
- Bắt bằng tay lúc trưởng thành ra rộ (tháng 5)
- Dùng gai mây luồn vào lỗ đục để bắt và giết sâu non.
- Cắt cành mới héo từ dưới lỗ đục mới nhất 20 cm đưa ra ngoài đốt.
- Khi sâu non đã lớn, bịt kín lỗ không cho sâu trưởng thành chui ra ngoài.
Ruồi vàng đục quả (Dacus dorsalis Hendel):
Đặc điểm gây hại
Trên quả bị hại có thể quan sát thấy những lỗ nhỏ khoảng 1mm. Sâu non đào lỗ và chui vào trong tép, thường có giọt gôm nhỏ từ trong lỗ chảy ra. Quả bị đục thường nhiễm nấm bán ký sinh, vết bệnh bắt đầu thối và biến nâu, thịt quả thối rữa và quả rụng xuống.
Đặc điểm sâu hại
- Ruồi có thân dài 7 mm (Dacus dorsalis), 4-5 mm (Ceratitis capitata), thân có màu nâu chân vàng, ngực đỏ cánh không màu hoặc có nhiều đốm. Có 4-5 lứa/năm.
- Ruồi cái đục vỏ quả đang chín hoặc chín đẻ trứng, giòi khi nở có màu trắng dài khoảng 1mm, lớn lên có màu vàng, sau khi nở giòi đào sâu thẳng vào tép quả sinh sống khoảng 10-20 ngày trước khi quả thối rụng xuống đất, giòi chui ra khỏi quả và hoá nhộng trong đất.
- Ruồi cũng gây hại trên xoài, lê, đu đủ, sung…
Biện pháp phòng trừ:
- Dùng túi nilon hoặc túi lưới bọc quả lại có thể chống ruồi vàng và 1 số sâu khác.
- Quả chín không để lâu trên cây, cần thu hái nhanh gọn.
- Thu gom các quả rụng, chôn sâu vào đất xa vườn cây.
- Xới đất quanh gốc để diệt nhộng.
- Dùng bẫy bả diệt sâu trưởng thành
Ngài sâu đục quả (Ophideres sp):
Triệu chứng gây hại
Quả chín thường dễ bị chích hút nhưng quả xanh cũng bị hại. trên vỏ quả có thể có nhiều lỗ đục, có trường hợp có đến 40-50 lỗ đục. Quả bị đục thường bị nhiễm nấm bán ký sinh rồi rụng, dùng tay bóp mạnh sẽ thấy dịch quả phụt ra từ các lỗ đục.
Thời điểm gây hại
Xuất hiện 2-4 lứa trong năm, bướm chủ yếu xuất hiện vào mùa hè và mùa thu khi quả chín. Ngài có thân dài 3-4mm, cánh trước có màu nâu, cánh sau màu vàng với 2 vệt đen to hình vòng cung. Là loài ngài đêm nên thường gây hại chủ yếu và đẻ trứng vào ban đêm.
Biện pháp phòng trừ
- Dùng túi nilon hoặc túi lưới bọc quả lại có thể chống ruồi vàng và 1 số sâu khác.
- Quả chín không để lâu trên cây, cần thu hái nhanh gọn.
- Thu gom các quả rụng, chôn sâu vào đất xa vườn cây.
- Thu gom và đốt lá khô vào ban đêm đuổi ngài bay đi nơi khác.
- Dùng bẫy đèn bắt ngài kết hợp với dùng chậu bả trong vườn thu hút bướm đến hút nước bả (nước quả cam + đường + thuốc sâu)
Rệp sáp (Pseudococcus sp):
Đặc điểm sâu bệnh
- Sinh sống gây hại ở chùm quả, mặt dưới lá, cành tiêu và ngay cả ở dưới rễ. Chích hút nhựa làm chùm quả héo rụng non và tạo điều kiện, môi trường cho nấm muội phát triển làm đen vỏ quả, mặt lá, ảnh hưởng đến quang hợp.
- Sống thành ổ, trứng nở rệp non trên mình chưa có sáp trắng di động rất nhanh tìm nơi sinh sống cố định (chùm quả, cuống lá…) sau vài lần lột xác trên mình phủ lớp sáp bông trắng do rệp tiết ra từ các hạch, sáp tiết ra ngày càng nhiều phủ kín rệp và cả ổ rệp. Chính lớp sáp không thấm nước này bảo vệ rệp chống lại ngoại cảnh bất lợi cũng như thuốc trừ sâu.
- Rệp sáp có loài kiến cộng sinh bằng cách kiến đen tha rệp từ nơi này sang nơi khác, từ cây này sang cây khác mỗi khi chỗ rệp đang chích hút đã cạn kiệt nhựa. Ngược lại, trong chất bài tiết của rệp có chứa nhiều chất đường mật làm thức ăn cho kiến.
- Rệp sáp cùng với rệp muội đều phát sinh phát triển mạnh trong mùa nóng và đầu mùa mưa (nắng mưa bất thường).
Biện pháp phòng trừ
- Không nên trồng với mật độ quá dày để vườn luôn được thông thoáng.
- Vệ sinh vườn tược thường xuyên, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán… để vườn luôn thông thoáng. Chăm sóc chu đáo để cây sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống đỡ với rệp.
- Dọn sạch cỏ rác, lá cây tủ mục xung quanh gốc để phá vỡ nơi cư trú của kiến, nếu thấy xung quanh gốc có nhiều kiến có thể dùng thuốc Padan, Basudin hoặc Regent hạt rải xung quanh gốc hoặc phun thuốc trừ sâu để diệt kiến.
- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là ở giai đoạn cây đang ra hoa, quả non.