Sắn là cây lương được trồng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và là nguồn thực phẩm của hơn 500 triệu người. Các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn kéo dài từ 6 đến 12 tháng, có nơi tới 18 tháng, tùy giống, vụ trồng, địa bàn trồng và mục đích sử dụng.
Để đạt năng suất cao nhất, cùng chất lượng tinh bột củ tốt, việc chăm sóc kỹ lưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây sắn là điều mà bà con cần nắm vững.
1. Giai đoạn mọc mầm của cây sắn (khoai mì)
Sau khi trồng 3-5 ngày rễ đầu tiên bắt đầu mọc và rễ tiếp tục mọc cho đến ngày thứ 15. Từ ngày thứ 8-10 sau khi trồng hom sắn bắt đầu mọc mầm. Rễ mọc từ mô phân sinh phía cuối của hom (ở mắt thân) gọi là rễ bên; những rễ mọc từ mô sẹo của hom được gọi là rễ gốc.
Số mầm thân ra nhiều hay ít phụ thuộc vào cách đặt hom và chất lượng hom (hom đặt ngang ra nhiều thân hơn đặt đứng hoặc nghiêng). Nhiệt độ thích hợp cho sắn mọc mầm từ 25 – 27oC. Sắn mọc mầm nhanh ở nhiệt độ từ 28,5 – 30oC.
Thời kỳ hom ra rễ và mọc mầm thường kéo dài khoảng 2-3 tuần.

2. Giai đoạn cây sắn bén rễ và phát triển rễ
Đặc điểm chủ yếu của quá trình sinh trưởng này là rễ phát triển nhanh và mạnh cả về số lượng và chiều dài. Đầu tiên rễ mọc dài theo hướng nằm ngang (trung bình 25cm/tháng). Từ các rễ này mọc ra các rễ con và phát triển theo hướng đâm xuyên sâu vào đất.
Để tăng khả năng ra rễ, khi đặt hom đem trồng cần chú ý không gây dập nát đầu hom và hạn chế chảy nhựa ở đầu hom bằng cách chấm hai đầu hom vào tro bếp hoặc vào đất bột khô.
Trong giai đoạn phát triển rễ của cây sắn, thân lá phát triển chậm, thân mầm sống chủ yếu nhờ chất dự trữ trong hom. Quá trình này kéo dài khoảng 45-60 ngày và chịu sự chi phối sâu sắc của chất lượng hom.
3. Giai đoạn phát triển thân lá của cây sắn
Cây sắn thuộc lớp 2 lá mầm, do đó sự tăng trưởng chiều cao của cây và sự to ngang của dường kính thân được quyết định bởi sự hoạt động của mô phân sinh tượng tầng và mô phân sinh đỉnh. Giai đoạn sinh trưởng phát triển thân lá kéo dài khoảng 45-60 ngày. Đặc trưng chủ yếu của quá trình này là:
+ Tốc độ phát triển của thân mạnh, số lá tăng nhanh, rễ củ bắt đầu phát triển (nhưng còn chậm), gặp điều kiện thuận lợi thân có thể vươn cao được 4cm/ngày.
+ Chỉ số diện tích lá đạt đến mức cao nhất, tối đa vào khoảng tháng thứ 6. Tháng thứ 4 chỉ số diện tích lá đạt khoảng lớn hơn 3. Số lá trung bình từ 10-20 lá/tháng; diện tích lá biến đổi động từ 50-400 cm2/lá (diện tích lá lớn hay bé còn phụ thuộc vào giống). Giai đoạn này cũng là giai đoạn diện tích trung bình của lá đạt cao nhất; tuổi thọ của lá thay đổi từ 40-140 ngày.
+ Sự phân cành của cây sắn cũng được phát triển trong quá trình sinh trưởng này.

4. Giai đoạn phát triển củ sắn
Giai đoạn này thân cành vẫn còn tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm; diện tích lá của cây ngừng tăng, nhưng cây vẫn tiếp tục ra thêm một số lá nữa thay thế những lá già đã rụng. Tốc độ phát triển của củ sắn có thể chia làm 3 phần giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Từ 2-3 tháng đầu sau khi hình thành củ, tốc độ lớn của củ chậm.
+ Giai đoạn 2: Từ tháng thứ 6-8 tốc độ lớn của củ rất nhanh.
+ Giai đoạn 3: Sau giai đoạn 2 đến thu hoạch tốc độ lớn của củ giảm đần.
Số lượng củ và chiều dài củ được hình thành và ổn định ngay trong giai đoạn 3, 4 tháng sau trồng. Tinh bột được tích lũy về củ tăng dần theo thời gian sinh trưởng, tăng nhanh nhất từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 9 sau trồng, sau đó tăng chậm và ổn định.

Như vậy, năng suất sắn củ phụ thuộc vào khả năng quang hợp của lá và sự phân phối vật chất khi hình thành cho các bộ phận khác nhau của cây. Có thể nói là có sự cạnh tranh giữa bộ phận trên mặt đất và dưới mặt đất về sử dụng sản phẩm của quang hợp.