Đặc điểm của bọ trĩ
Bọ trĩ là loài bọ gây hại nhiều loại cây ăn trái như xoài, cam, quýt… gây hại trên cây công nghiệp như cà phê, tiêu… gây hại trên cây rau màu như hành, cà chua, ớt, cà tím và đặc biệt là trên lúa.
Hiện nay trên thế giới có hơn 6000 loài bọ trĩ. Bọ trĩ là loài côn trùng nhỏ, ăn nhiều kí chủ. Kích thước nhỏ (dài chưa đến 1/20 inch) cánh dài, hẹp, tua rua. Cơ thể bọ trĩ có dạng hình trụ, đầu dẹp tạo thành hình miệng nón. Bọ trĩ có nhiều màu sắc khác nhau trắng, vàng, nâu sẫu hoặc đen. Bọ trĩ đẻ trong mô ở các bộ phận non của cây, bọ trĩ cái đẻ trứng được 40 – 50 trứng. Bọ trĩ non màu vàng nhạt, sống gây hại chung với bọ trĩ trưởng thành. Bọ trĩ thuộc loại côn trùng biến thái trung gian, bọ trĩ non chuyển sang giai đoạn nhộng giả có thể ở trong lá khô hay vỏ cây, nhưng chủ yếu vẫn là ở trong đất.
Vòng đời của bọ trĩ
Vòng đời của bọ trĩ là 17 – 20 ngày, một năm có thể có khoảng 20 thế hệ bọ trĩ hoàn thành chu kỳ phát triển. Tùy thuộc vào điều kiện môi trường và mức độ dinh dưỡng con cái trưởng thành đẻ từ 150 – 300 trứng trong suốt cuộc đời của chúng.
Vòng đời bọ trĩ hình thành qua 5 giai đoạn: Trứng, tiền ấu trùng, ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và trưởng thành.
Bọ trĩ cái kí sinh trên hoặc vào trong hoa, lá, chồi, thân hoặc quả của cây chủ và đẻ trứng. Trứng có dạng thuôn dài, hình trụ hoặc hình thận, sau khoảng 2 – 4 ngày trứng hình thành tiền ấu trùng.
- Giai đoạn tiền ấu trùng bắt đầu ăn lá, hoa và quả của cây chủ. Sau 1-2 ngày tiền ấu trùng biến đổi thành ấu trùng.
- Giai đoạn ấu trùng, ấu trùng có hình dạng giống như con trưởng thành nhưng màu nhạt hơn và không có cánh. Cuối giai đoạn ấu trùng, bọ trĩ ngừng kiếm ăn và bỏ đi hoặc xâm nhập vào đất hoặc lớp lá. Giai đoạn không ăn kéo dài 1- 2 ngày trước khi hóa thành nhộng.
- Giai đoạn tiền nhộng và nhộng của bọ trĩ là giai đoạn không ăn. Giai đoạn tiền sản kéo dài 2- 4 và giai đoạn nhộng kéo dài 1- 2 ngày. Hầu hết các loài bọ trĩ sẽ rụng khỏi cây khi phát triển đến giai đoạn này.
- Giai đoạn trưởng thành, bọ trĩ trưởng thành xuất hiện sau khi nhộng hình thành 1- 3 ngày. Những con trưởng thành có cánh nhưng bay yếu ớt.
Cách thức gây hại
Bọ trĩ là dịch hại phổ biến trên nhiều loai cây trồng như lúa, rau, đậu, điều, cây ăn trái… Đây là loại côn trùng rất nhỏ, tuy nhiên có thể thấy được bằng mắt thường, thân hình thon dài, miệng rất cứng, khoẻ, phá hại bằng cách dùng miệng đục thủng vào bộ phận non của cây như lá non, chồi, bông, trái… rồi hút nhựa.
Trên lá, bọ trĩ chích hút ở mặt dưới lá làm lá phát triển không bình thường, cong queo, hai mép cúp xuống. Trên chồi, làm chồi không ra lá. Trên bông làm bông héo, khô, rồi rụng hàng loạt. Nếu xảy ra trên trái sẽ làm da trái gần cuống có màu xám đậm (da cám), trái biến dạng.
Nếu bọ trĩ xuất hiện với mật số cao và gây hại muộn thì da trái (cả trái non lẫn trái lớn) bị sần sùi, giá trị thương phẩm giảm, không xuất khẩu được.
Biện pháp phòng trừ
Biện pháp cơ học:
- Trồng cây với mật độ không quá dày, cắt tỉa cành khô, héo giữ cho vườn thông thoáng.
- Thường xuyên kiểm tra kỹ lá, thân, hoa, cành của cây.
- Đối với mẫu bệnh tại vườn, sau khi xử lý cây nhiễm bệnh thì cần được bỏ vào bao mang đi đốt bỏ.
- Cần khử trùng, vệ sinh sạch dụng cụ làm vườn trước khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo…
- Đặt bẫy côn trùng để quan sát tình hình côn trùng gây hại trong vườn. Bẫy dính giúp theo dõi hiệu quả của việc kiểm soát côn trùng gây hại. Việc đặt bẫy dính nên được thực hiện một cách thường xuyên để theo dõi mùa vụ.
Các biện pháp cơ học có ưu điểm là dễ thực hiện, ít tốn kém, nguyên vật liệu đơn giản dễ tìm. Nhược điểm của các phương pháp cơ học là không thể kiểm soát bọ trĩ một cách triệt để và tốn nhiều thời gian thực hiện.
Biện pháp hóa học
Sử dụng các loại thuốc đặc trị cho bọ trĩ
Ưu điểm của các biện pháp hóa học là nhanh chóng, hiệu quả, dễ dàng thực hiện trên diện rộng. Nhược điểm là tốn kém chi phí, nếu sử dụng không đúng cách và làm dụng sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc của bọ trĩ, gây ô nhiễm môi trường và hóa chất trong thuốc trừ sâu sẽ tồn dư lại trong sản phẩm.