Bệnh thối đỏ trên cây mía

Ngoài việc là nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp đường, mía còn là nguyên liệu hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều ngành công nghiệp nghiệp như rượu, giấy, ván ép, dược phẩm, điện từ bã mía; thức ăn chăn nuôi, phân bón từ lá, ngọn mía, bùn lọc và tro lò…. Do đó, mía là loại cây đem lại giá trị kinh tế lớn cho nông dân Việt Nam.

Để canh tác cây mía không hề khó, song cần phải đặc biệt chú ý đến bệnh hại bởi có tới trên 50 loài sâu và khoảng 30 loại bệnh gây hại trên cây mía đặc biệt là bệnh thối đỏ thân – nguyên nhân khiến cây mía giảm đi chất lượng thương phẩm hàng đầu.

Bệnh thối đỏ trên cây mía

Nguyên nhân gây bệnh thối đỏ trên cây mía

Bệnh thối đỏ trên cây mía do nấm Colletotrichum falcatum Went gây ra. Loại nấm này làm chuyển hóa đường trên mía thành rượu khiến mía có mùi hôi. Khi nấm xâm hại nặng sẽ khiến toàn cây có nguy cơ bị khô chết, vườn sẽ tái sinh kém.

Cây mía bị bệnh sẽ cho thành phẩm đường kém chất lượng, tỷ lệ đường thấp, khó khăn trong khâu lọc vệ sinh, làm sạch.

Bệnh thối đỏ trên mía phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, mưa nhiều, trời nóng ẩm bởi đặc tính sinh trưởng của nấm Colletotrichum falcatum Went là sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ 27-32OC, pH thích hợp 5-6. Nấm lan truyền bằng bào tử, côn trùng, mưa gió, qua vết thương cơ giới…

Triệu chứng bệnh thối đỏ trên cây mía

Bệnh thối đỏ có thể gây hại ở nhiều bộ phận của cây mía, từ thân lóng, phiến lá, bẹ lá cho đến mầm non và cả rễ của cây. Tuy nhiên, bệnh thường gây hại nhiều nhất là trong thân cây, phiến lá và bẹ lá của cây mía vào giai đoạn cây mía đã vươn lóng cao. Cụ thể:

Triệu chứng bệnh thối đỏ trên lá mía

Ở lá, lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ màu hồng sau đó phát triển dần lên phía trên và xuống phía dưới của sống lá thành những vệt dài hình bầu dục (đôi khi chỉ là những vệt dài khoảng 5-7cm) có màu đỏ huyết, giữa vết bệnh có màu nhạt hơn, quanh rìa có màu đỏ nâu. 

Trên bẹ lá, vết bệnh có màu nâu sẫm được bao quanh bởi đường viền màu đỏ. Nếu cây nhiễm bệnh nặng, nhiều vết hoà lẫn vào nhau thành một mảng lớn, về sau cũng xuất hiện những ổ bào tử nhỏ mầu đen.

Triệu chứng bệnh thối đỏ xuất hiện trên lá mía

Triệu chứng bệnh thối đỏ trên thân mía

Đối với thân mía, ban đầu vết bệnh chỉ là một điểm nhỏ màu nhạt, sau đó lan rộng, kéo dài trong lóng mía thành những mảng màu đỏ huyết. Giữa các đốm đỏ có những vệt ngang màu trắng. Triệu chứng bệnh nằm phía bên trong ruột cây một thời gian dài không lộ ra bên ngoài vỏ, nên lúc đầu rất khó phát hiện cây bị bệnh, tới khi bệnh phát triển mạnh, bà con chẻ đôi sẽ thấy có màu đỏ ở một dóng hoặc nhiều dóng mía.

Phòng trị bệnh thối đỏ trên cây mía

Để phòng trị bệnh thối đỏ trên cây mía, bà con cần:

– Thu dọn tàn dư vụ trước sạch sẽ để loại bỏ mầm mống bệnh trong đất, với đất chua nên bón phân cải thiện pH đất; những ruộng mía bị bệnh nặng nên trồng luân canh với cây họ đậu trong vài năm.

– Chọn giống mía khỏe và trồng vào lúc có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp.

– Trong quá trình trồng mía, cần thường xuyên bóc tỉa những lá mía già khô, lá sâu bệnh đem tiêu hủy để giảm khả năng sinh bệnh của cây mía, nhất là giai đoạn vươn lóng mía.

– Khi bệnh xuất hiện nhiều, bà con cần tiến hành phun thuốc hóa học, khi phun có thể kết hợp thêm chất bám dính như nước rửa bát để thuốc bám dính lâu trên lá mía, làm tăng hiệu quả của thuốc tác động lên cây.