Ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về bệnh héo vàng trên cây cà chua. Một chứng héo khác gây chết cây trên cây họ cà đó là héo xanh.
Bệnh gây hại nhóm cây họ cà như: cà chua, cà pháo, cà tím… Bệnh gây hại nặng có thể khiến cây chết trong vườn lên đến hơn 50% nếu không phòng trừ, ảnh hưởng lớn tới năng suất mùa vụ. Bệnh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra.
Triệu chứng bệnh héo xanh trên cây họ cà
Vi khuẩn Ralstonia solanacearum xâm nhiễm giai đoạn cây còn nhỏ, ban đầu, triệu chứng xảy ra ở một cành hoặc một nhánh một cách đột ngột và nhanh chóng, sau đó 2-5 ngày sẽ toàn cây héo xanh rũ . Hiện tượng héo rũ xảy ra vào ban ngày khi trời nắng nhưng đến ban đêm cây lại tươi xanh trở lại, sau vài thì cây không hồi phục được nữa và chết hẳn.
Lúc này, nếu nhổ cây lên ta sẽ thấy phần thân và rễ cây bị thối đen, mềm nhũn. Cắt ngang thân thấy mạch dẫn (mạch xylem) bị nâu đen, để vào trong ly nước trong thấy có những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra từ vết cắt.
Điều kiện lý tưởng để bệnh héo xanh phát triển
Vi khuẩn Ralstonia solanacearum phát triển thích hợp ở pH 7 – 7,2. Nhiệt độ thích hợp 24 – 37oC. Nhiệt độ gây chết 52oC. Do đó, bệnh phát triển nhanh trên nền đất ẩm ướt, thoát nước kém. Cây càng được tưới nước nhiều hoặc gặp trời mưa ngập úng là điều kiện lý tưởng cho bệnh xâm nhiễm phát triển mạnh, lan truyền dễ dàng.
Loại vi khuẩn này có thể tồn tại trong đất rất lâu, có thể lên đến trên một năm, nó cũng tồn tại trong tàn dư cây trồng, cỏ dại nên thường lan truyền qua cây giống, gió, nước, côn trùng, vết thương cơ giới qua công cụ chăm sóc.
Phòng trị bệnh héo xanh trên cây họ cà
Bệnh héo xanh là bệnh rất khó phòng trị vì loại vi khuẩn này bám rất lâu trong đất và tàn dư cây trồng. Khi bệnh gây hại thì không thể cứu chữa, sử dụng thuốc hoá học cũng chỉ hạn chế bệnh lây lan mà thôi.
Do đó, phòng ngừa từ khi canh tác là vô cùng quan trọng.
– Bà con cần thu dọn tàn dư cây trồng vụ trước, trồng luân canh với cây họ khác để cải tạo đất.
– Dùng giống sạch bệnh
– Nên ngâm nước ruộng khoảng 10 – 15 ngày hoặc cày phơi ải trước khi gieo trồng.
– Khi làm đất cần cày bừa kỹ, nên kết hợp với bón thêm vôi bột.
– Khi trồng, cần lên luống cao để đảm bảo thoát nước tốt khi có mưa hoặc sau khi tưới, không để nước đọng trong ruộng tránh cho việc phát triển bệnh và lây lan nhanh.
– Khi xuất hiện bệnh, bà con có thể phun thuốc chứa Fugous proteoglycans ; Polyphenol ; Streptomyces lydicus WYEC 108; Bacillus subtilis; Ningnanmycin để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.