Bệnh héo vàng trên cây cà chua

Cà chua là loại cây cho quả mọng, sản lượng và năng suất lớn nếu có kỹ thuật canh tác tốt. Cà chua vụ xuân hè sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 5, tháng 6. Thời điểm này, cà chua trưởng thành đã ra hoa và đậu quả. Song nếu bỗng nhiên cây lại chuyển vàng, cuối cùng bị chết héo thì khả năng lớn là cây đã bị bệnh héo vàng.

Dấu hiệu cây cà chua bị bệnh héo vàng

Đầu tiên, bệnh xuất hiện ở các lá phía dưới gốc, tầng lá này thường biến vàng bắt đầu từ một lá chét của một bên cây, sau đó lan ra toàn cây, lá héo rũ, màu vàng, không bị rụng.

Trên thân cây, vết bệnh cũng xuất hiện trên thân sát mặt đất hoặc cổ rễ màu nâu sau đó lớn dần làm khô tóp cả đoan thân sát mặt đất.

Bệnh khiến bộ rẽ kém phát triển rồi bị thối dần.

Khi trời ẩm, trên bề mặt vết bệnh có lớp màu hồng nhạt, chẻ dọc thân thấy mạch dẫn có màu nâu.

Cây cà chua bị bệnh héo vàng ban ngày héo, ban đêm lại phục hồi nhưng sinh trưởng kém. Sau 1 tuần đến 1 tháng cây sẽ chết.

Bệnh héo vàng trên cây cà chua bắt đầu từ lớp lá sát gốc

Nguyên nhân gây bệnh héo vàng trên cây cà chua

Bệnh héo vàng trên cây cà do nấm Fusarium oxysporium  gây ra.

Đặc điểm của nấm Fusarium oxysporium:

Hình dạng: Bào tử nấm lớn hơi cong hình lưỡi liềm, có 3-5 vách ngăn, không màu hoặc vàng nhạt. Bào tử nhỏ hình ô van hoặc elíp.

Điều kiện thích hợp cho nấm phát triển: Nhiệt độ từ 18-34 0C, ẩm độ cao, bón thừa đạm, thiếu lân hoặc kali, dùng phân chuồng không ủ hoai và ở ruộng không thoát nước.

– Con đường gây bệnh: Nấm gây bệnh xâm nhập qua các vết thương ở rễ hoặc trên thân do quá trình chăm sóc hoặc bị côn trùng cắn phá. Nó có thể lan truyền qua hạt giống và có thể tồn tại rất lâu trong đất, tàn dư cây trồng.

Phòng trừ bệnh héo vàng trên cây cà chua

Cần chọn cây giống khỏe, sạch bệnh

– Chọn giống khỏe, sạch bệnh.

– Khi gieo trồng nếu phát hiện cây bệnh, cần tiến hành thu dọn, đốt cây bị bệnh để tránh lây lan. 

– Vì nấm Fusarium oxysporium tồn tại rất lâu trong đất nên nếu đất bị nhiễm nặng thì phải luân canh với cây không phải họ cà trong vòng 5 – 7 năm.

– Không tưới quá ẩm.

– Trồng cây với mật độ thích hợp với từng giống.

– Bón phân cân đối hợp lý để cây phát triển khỏe, lượng phân bón không phù hợp cũng có thể khiến cà chua bị vàng lá mà không phải do nấm Fusarium oxysporium.

– Khi cây bị bệnh nặng, bà có có thể dùng các loại thuốc chứa hoạt chất Zineb, Propiconazole, Difenoconazole, Hexaconazole, Mancozeb… để phun. Chú ý pha theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng.