Bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa

Bệnh Đạo ôn cổ bông thường xuất hiện tại cổ bông, cổ gié hoặc tai lá đòng thấy có chấm nhỏ màu nâu xám, sau đó lan dần và bao quanh lấy cổ bông, cổ gié gây nên bông bạc nếu bệnh xuất hiện sớm hoặc gây lép lửng bông hoặc gié khi bệnh xuất hiện muộn. Trên hạt vết bệnh không định hình, màu nâu xám hoặc nâu đen. Nấm ký sinh ở vỏ trấu và có thể bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn bệnh truyền từ vụ này sang vụ khác. Khi bà con nông dân nhìn thấy triệu chứng trên thì bệnh đã gây hại và lúc đó phun thuốc trừ bệnh sẽ có hiệu quả phòng trừ thấp. Vì vậy, đối với bệnh này cần phải phun thuốc phòng trừ sớm ở thời điểm lúa bắt đầu trổ và khi lúa trổ hoàn toàn.

Nguyên nhân gây bệnh đạo ôn cổ bông

Rất nhiều người nhầm lẫn là bệnh đạo ôn lá (cháy lá) và bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa là hai bệnh khác nhau. Tuy rằng hai tên gọi khác nhau nhưng đó là một bệnh và do một tác nhân gây bệnh là nấm Pyricularia oryzae gây ra.

Đặc điểm bệnh đạo ôn cổ bông

Thời gian từ khi bào tử nảy mầm, xâm nhiễm vào cổ bông đến lúc biểu hiện ra vết bệnh mãn tính từ 4- 6 ngày, tùy theo nhiệt độ, độ ẩm. Có nghĩa rằng, khi quan sát thấy bông bạc là nấm bệnh đã xâm nhiễm trước đó 4-6 ngày và không thể cứu vãn.

Khi phát hiện ra bệnh cũng là lúc cây lúa đã bị tổn hại, dẫu có tiêu diệt được nấm thì cũng đã muộn trong cứu vãn năng suất.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Những đặc điểm cần chú ý để nhanh chóng phòng bệnh đạo ôn cổ bông:

  • Giống nhiễm: Là các giống lúa thường nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông ở các vụ trước, năm trước tại khu vực gieo trồng nào đó. Cùng một giống, nhưng ở vùng sinh thái này là giống nhiễm nhưng vùng khác có thể không phải là giống nhiễm.
  • Từng nhiễm đạo ôn lá: Cùng vụ sản xuất, nếu giống đó từng nhiễm đạo ôn lá, thì nguy cơ nhiễm đạo ôn cổ bông rất cao, vì nguồn bệnh có sẵn, được tích lũy trên ruộng chỉ chờ điều kiện phát sinh.
  • Lá đòng có vết bệnh mới: Lá đòng là lá sát bông lúa, được hình thành muộn nhất. Nếu lúa sắp trỗ hoặc đã trỗ mà trên lá đòng có vết bệnh đạo ôn mới, thì cần phòng trừ đạo ôn cổ bông.
  • Rốn dịch đạo ôn: Là nơi hàng năm bệnh đạo ôn cổ bông thường phát sinh gây hại hoặc trong cùng vụ nơi đó là rốn dịch đạo ôn lá (kể cả giống đó không nhiễm đạo ôn lá). Vì nguồn bệnh tích lũy rất lớn, điều kiện tiểu khí hậu thuận lợi cho bệnh phát triển.
  • Trồng đại trà 1 giống làm giảm đa dạng sinh học: Các khu vực trồng đại trà một giống lúa thuần, hoặc đặc biệt là một giống lúa lai 3 dòng thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao vì sản xuất hạt giống lai thường sử dụng bất dục đực tế bào chất, nên nếu xảy ra dịch bệnh nào đó sẽ diễn ra đồng loạt do đồng tế bào chất.
  • Thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển: Trời âm u, có sương mù, có mưa vừa, mưa phùn, ẩm độ không khí cao, nhiệt độ từ 20-28 độ C rất thuận lợi để bệnh phát triển. Ngoài ra cần lưu ý, qua thực tiễn nhiều năm nay nếu ban ngày khô ráo, nắng nóng mà ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới 30 độ C, có sương ẩm là điều kiện tốt nhất bùng phát đạo ôn cổ bông.

Phòng trừ bệnh hiệu quả

Phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông

Để đạt hiệu quả người nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, lách thời tiết để kịp thời phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Phun phòng bệnh lúc lúa trỗ 3-5% số bông (ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau)

Trường hợp áp lực bệnh cao (thời tiết thuận lợi, nguồn bệnh cao) cần phải phun lần 2 khi lúa đã trỗ hoàn toàn. Ruộng lúa đã trỗ không kịp phun thuốc phải phun lại ngay sau khi lúa trỗ thoát hoàn toàn. Không nên sử dụng loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông do hiệu quả phòng trừ rất thấp.

Có thể kết hợp thuốc trừ bệnh đạo ôn và thuốc trừ bệnh đen lép hạt để phòng trừ cùng lúc hai loại bệnh trên.