Cùng với chết chậm, chết nhanh là một bệnh hại rất nguy hiểm trên cây hồ tiêu. Bệnh chết nhanh còn được gọi là bệnh “Thối gốc-chết dây”. Với điều kiện thời tiết nhiệt đới ẩm gió mùa ở Việt Nam, bệnh chết nhanh rất phổ biến và rất phức tạp. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng tới năng suất tiêu nên bà con cần đặc biệt chú ý.
Triệu chứng cây hồ tiêu bị bệnh chết nhanh
Bệnh chết nhanh biểu hiện trên hầu hết các bộ phận của cây hồ tiêu như lá, rễ, thân, cành… Nhất là những bộ phận nằm trên và gần mặt đất như rễ, gốc. Bệnh thường xuất hiện ở vườn tiêu từ 3, 4 năm tuổi trở lên. Nguy hại ở chỗ, khi phát hiện có 5-7% số cây trong vườn chết thì hầu hết số cây trong vườn đã bị nhiễm bệnh. Khi có triệu chứng bệnh bên ngoài có nghĩa là bộ rễ tiêu đã bị bệnh hại tấn công từ trước đó 1-2 tháng.
Bệnh tiến triển rất nhanh. Biểu hiện bên ngoài nhìn cây trông thiếu sức sống, kém tươi tốt. Ngay sau đó dây héo nhanh từ đọt xuống, lá rụng ào ạt, dây, cành trơ trọi, trái lõm, méo mó… Các biểu hiện này diễn ra rất nhanh, sau vài tuần sau cây chết. Vì vậy mà nó có tên là bệnh chết nhanh. Lúc này, nếu nhổ lên sẽ thấy toàn bộ rễ tiêu bị thối đen nhất là phần cổ rễ, thân sát mặt đất bị thối rã, vỏ bong, ngửi có mùi hôi. Bệnh có tên “thối gốc-chết dây” cũng là vì thế.
Nguyên nhân gây bệnh chết nhanh trên hồ tiêu
Bệnh chết nhanh được xác định là do nấm Phytophthora sp (P.capsici, P. nicotianae, P.cinnamomi) gây ra. Đây là loại nấm sống dưới đất và rất thích nước. Do đó nó đặc biệt phát triển mạnh vào mùa mưa với khí hậu nóng ẩm. Chúng còn thường kết hợp với các loại nấm sống trong đất khác như Pythium, Fusarium, Rhizoctonia… dẫn đến cây tiêu càng chết nhanh hơn.
Phòng bệnh chết nhanh trên hồ tiêu
Bệnh chết nhanh khi có biểu hiện ra bên ngoài thì thường đã bị nấm hại tấn công trước đó 1-2 tháng. Do đó, để đối phó với bệnh này, bà con nên chủ động phòng bệnh sớm bằng các biện pháp sau:
– Trồng tiêu với mật độ và khoảng cách theo hướng dẫn của trung tâm khuyến nông khu vực. Thường là khoảng cách 2,5×2,5m, mật độ 1.600 trụ tiêu/ha.
– Vào mùa khô nên cắt tỉa nhánh sát mặt đất (cách mặt đất 20 – 30 cm) để ngăn ngừa nấm gây bệnh. Bà con có thể quét dung dịch Bordeaux 10%, vôi vào phần thân tiêu sát mặt đất để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh.
– Bà con nên trồng xen canh cây hồ tiêu với cà phê, dừa… để giảm bệnh chết nhanh. Không trồng chung với cao su, cây ăn trái như sầu riêng, xoài. Có thể trồng cỏ họ đậu xen lẫn để tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi cho cây tiêu phát triển.
– Sử dụng giống cây con sạch bệnh, có đề kháng cao. Đặc biệt không lấy hom trong vườn đã bị bệnh chết nhanh, tuyến trùng, mầm bệnh… đất trong bầu phải được xử lý để trừ sâu, bệnh.
– Trong khâu làm vườn, chăm sóc tiêu cần hạn chế tối đa việc gây vết thương cơ giới cho vùng rễ, thân… cây tiêu. Bởi các vết thương hở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm có thể xâm nhập.
– Nấm bệnh ưa ẩm nên bà con cần thiết kế hệ thống thoát nước triệt để. Trung bình cứ 2 hàng tiêu, có một mương. Mương vừa giúp thoát nước, vừa hạn chế tuyến trùng và mầm bệnh lây lan qua nước. Ngoài ra khi từ đầu, thiết kế vườn, nên chọn khu đất cao thay vì đất trũng.
– Cần bón phân đầy đủ, cân đối và hợp lý giúp tiêu chống chịu bệnh tốt hơn. Chú ý bổ sung phân vi lượng để tăng đề kháng cho cây.
– Vườn tiêu bị bệnh không nên trồng lại ngay. Bà con cần chờ ít nhất 1 – 2 năm, trước khi trồng nên cải tạo, xử lý đất sạch sẽ.
– Phòng trừ tích cực các loài côn trùng hại rễ như rệp sáp rễ, rệp sáp gốc, các loài tuyến trùng gây hại vùng rễ.
– Như trên đã nói, vườn tiêu 2, 3 năm đã có thể bắt đầu nhiễm bệnh. Do đó, sau trồng một năm bà con có thể phòng bệnh với hóa chất bằng cách:
Vào đầu mùa mưa nên đổ gốc dung dịch Bordeaux 1% hay oxytchlorur đồng 0,2% hoặc Copforce blue pha 25 g/8 lít. Giữa hay cuối mùa mưa có thể tưới thêm một hoặc hai lần nữa. Ngoài việc tưới gốc, có thể dùng các loại thuốc đặc trị, kiểm soát bệnh nấm và vi khuẩn chứa hoạt chất Fosetyl aluminium pha theo hướng dẫn để phun lên cây vào giữa hay cuối mùa mưa.