Hiện nay là thời điểm lúa vụ Chiêm đẻ nhánh, chuẩn bị đứng cái, làm đòng. Với nền thời tiết nắng mưa thất thường, độ ẩm không khí cao, lúa Chiêm rất dễ mắc bệnh bạc lá vi khuẩn. Nếu để bệnh bùng phát thành dịch trên diện rộng, nhất là trong giai đoạn làm đòng đến trỗ bông thì cây lúa dễ bị nghẹn đòng, bông bạc, hạt lép nhiều và làm giảm năng suất tới 55 – 70%.
Triệu chứng bệnh bạc lá vi khuẩn trên lúa
Bệnh bạc lá vi khuẩn đầu tiên xuất hiện ở đầu lá hoặc 2 bên mép lá sau đó lan dần vào phiến lá, lan thẳng xuống gân chính và có thể xuống tận bẹ lá. Vết bệnh lan rộng theo đường lượn sóng hoặc thẳng, mô bệnh xanh tái, vàng lục cuối cùng là cháy khô có màu nâu xám.
Trên phiến lá thường biểu hiện rõ nhất với đường gợn sóng vàng hoặc không vàng, có khi có một đường chỉ màu nâu xẫm, đứt quãng hoặc không đứt quãng. Khi nắng lên vết hai loại bệnh đều héo đi, phiến lá bị khô trắng từng vệt từ đầu lá kéo dài dọc theo mép lá, rìa vết bệnh có hình lượn sóng. Vào buổi sáng sớm hoặc trong điều kiện thời tiết ẩm ở trên vết bệnh thường xuất hiện các giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục, khi khô đi có màu vàng hoặc nâu hình cầu li ti. Đến khi đêm sương, những giọt keo vi khuẩn này tan ra, chảy chạy dài theo mép lá theo hướng gió thổi lan sang những lá khác.
Khi ruộng lúa nhiễm bệnh nặng, bùng phát thành dịch trên diện rộng, lá bị khô trắng tới 60 – 70% diện tích hoặc toàn bộ. Bệnh nặng khiến cho lá lúa bị cháy, đặc biệt là lá đòng cháy khiến cho lúa bị lép lửng, đen hạt với tỷ lệ cao, làm giảm năng suất nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh bạc lá
Bệnh bạc lá này do vi khuẩn Xanthomonas Oryzae gây ra. Bệnh gây hại cho lúa suốt quá trình sinh trưởng phát triển, nhưng biểu hiện rõ và gây hại nặng vào giai đoạn làm đòng – trỗ – chín, nếu không được phòng trừ kịp thời có thể làm giảm 50-70% năng suất vụ lúa.
Phòng trừ bệnh bạc lá vi khuẩn như thế nào?
Để phòng bệnh hiệu quả, bà con cần chọn giống khỏe, cấy thưa; thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình trạng sinh trưởng của cây lúa, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiều gió, nồm ẩm như hiện nay.
Cần bón phân cân đối, điều tiết nước phù hợp. Không bón quá nhiều đạm, bón đạm muộn và kéo dài; chú ý kết hợp giữa bón đạm với phân chuồng, lân, kali.
Khi bệnh mới gây hại ở đầu chóp lá, 2 bên mép lá chưa ăn sâu vào phiến lá, gân lá), cần tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời. Các loại thuốc có thể sử dụng đó là: Totan 200WP, Starwiner 20WP, Novaba 68WP, Xanthomix 20WP, PN – Balacide 32 WP, Starner 20 WP,… bà con pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Nếu bệnh nặng, cần phun nhắc lại lần hai sau lần một 5-7 ngày, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, cần phun ướt đẫm lá và thân; phun vào lúc chiều mát, tránh ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của lúa.
Chú ý trong thời gian này, cần giữ mực nước ruộng lúa từ 3 – 5 cm, tuyệt đối không được bón các loại phân hóa học, phân bón qua lá và thuốc kích thích sinh trưởng.