Những nghiên cứu về thiên địch bắt mồi ăn thịt trên ruộng lúa
Sự đa dạng và phong phú về côn trùng thiên địch trên ruộng lúa đã được K. L. Heong và cộng sự (1991) ghi nhận có 46 loài ăn mồi thuộc nhóm bọ xít và nhện, 14 loài ong ký sinh các loài rầy gây hại trên ruộng lúa. Theo A. T. Barion và J. A. Litsinger (1995), có trên 342 loài nhện đã được phát hiện trên các ruộng lúa ở các vùng Đông Nam Châu Á.
Các loài thiên địch thuộc nhóm bắt mồi ăn thịt gần như hiện diện trong rất nhiều bộ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các loài quan trọng được tập trung vào các bộ Coleoptera (Cánh cứng) với ba họ chủ yếu là Cocinellidae, Carabidae và Cicindellidae; bộ Diptera (Hai cánh) với hai họ là Syrphidae và Asilidae, bộ Hemiptera (Cánh nửa cứng) có họ Reduviidae và bộ Orthoptera có họ Mantidae.
Khác với nhóm ký sinh, sinh vật ăn mồi thường có khả năng tấn công trên nhiều con mồi khác nhau. Nhóm ăn mồi thường rất năng động trong việc tìm kiếm mồi, chúng có thể sử dụng miệng gặm nhai để cắn và nhai con mồi (bọ rùa, bọ ngựa, chuồn chuồn, bọ chân chạy) hoặc sử dụng miệng chích hút dịch cơ thể của con mồi (bọ xít bắt mồi, ruồi ăn mồi).
Bọ rùa
Bọ rùa thuộc họ Coccinellidae, bộ cánh cứng Coleoptera. Gồm những loài có kích thước nhỏ, bầu dục hoặc tròn, tùy loài mặt lưng của cơ thể thường vồng lên hình bán cầu, mặt bụng thì bằng, đa số có màu sắc tươi sáng và có nhiều đốm, hoa văn. Hầu hết các loài bọ rùa thuộc nhóm có lợi, tấn công chủ yếu các loại rầy mềm, nhện gây hại, rầy phấn trắng, rệp sáp, các loại côn trùng có kích thước nhỏ và trứng của một số loại côn trùng khác. Cả trưởng thành và ấu trùng đều ăn mồi. Trưởng thành ăn cùng một loại thức ăn như ấu trùng, chỉ một thời gian ngắn sau khi vũ hóa, trưởng thành đã có khả năng bắt cặp, số lượng trứng đẻ tùy thuộc vào lượng thức ăn được tiêu thụ.
Các loài bọ rùa ăn thịt phổ biến gồm có: Coccinella septempunctata (bọ rùa bảy chấm), Verania discolor (bọ rùa vàng), Harmonoia octomacullata (bọ rùa tám chấm), Micraspis sp. (bọ rùa đỏ), Micrapis crocea.
Bọ cánh cứng ba khoang
(Ophionea nigroasciata Schmidt-Gobel.)
Thuộc họ Carabidae, bộ cánh cứng Coleoptera, là loài côn trùng có thân cứng hoạt động mạnh. Cả sâu non có màu đen bóng và trưởng thành màu nâu đỏ đều tích cực tìm sâu cuốn lá hại lúa. Ta có thể tìm thấy bọ cánh cứng 3 khoang trong ổ lá do sâu cuốn lá cuốn. Sâu non của thiên địch hóa nhộng dưới đất ở vùng trồng lúa cạn hoặc trong các bờ ruộng lúa nước. Mỗi một con thiên địch phàm ăn ăn 3 – 5 con sâu non một ngày. Con trưởng thành cũng tìm bọ rầy và ve để làm mồi.
Kiến ba khoang
(Paederus fuscipes Curtis.)
Thuộc họ Staphylinidae, bộ cánh cứng Coleoptera, có màu nâu đỏ, giữa lưng có một vạch lớn màu đen chạy ngang qua tạo thành một khoang đen.Chúng thường trú ẩn trong bờ cỏ, các đống rơm rạmục ngoài ruộng.Chúng làm tổ dưới đất và đẻ trứng. Khi ruộng lúa xuất hiện sâu cuốn lá hay rầy nâu, chúng tìm đến chui vào những tổ sâu ăn thịt từng con. Mỗi con kiến ba khoang có thể ăn từ 3 – 5 con sâu non/ngày.
Bọ xít nước ăn thịt
(Microvelia douglasi atrolineata Bergroth.)
Thuộc họ Veliidae, bộ cánh nửa Hemiptera, là loại bọ xít nhỏ, có vạch trên lưng, sống trên mặt nước và có nhiều trên ruộng lúa. Con trưởng thành vai rộng có thể có cánh hoặc không có cánh, loại không có cánh không có vạch đen và vạch trắng ở cổ và cánh trước. M.douglasi atrolineatacó thân hình nhỏ và bàn chân trước chỉ có một đốt. Mỗi con cái đẻ 20 – 30 trứng vào thân lúa phía bên trên mặt nước. Thời gian sống của bọ xít là 1 – 2 tháng, dạng có cánh sẽ tản đi nơi khác khi ruộng lúa khô nước.
Những con trưởng thành tụ tập ăn rầy non khi chúng rơi xuống nước, bọ xít non cũng ăn bọ rầy non. Chúng là một thiên địch có hiệu quả hơn khi tấn công thành từng nhóm và rầy non là mồi dễ bị khuất phục. Mỗi con M.douglasi atrolineata có thể ăn 4 – 7 rầy mỗi ngày.
Bọ xít mù xanh
(Cyrtorhinus lividipennis Reuter.)
Thuộc họ Miridae, bộ cánh nửa Hemiptera. Kích thước cơ thể nhỏ hoặc trung bình (dài khoảng 3 – 4mm), màu xanh và đen, râu đầu có bốn đốt, không có mắt đơn.Phần màng có 1 – 2 buồng cánh, còn mạch cánh khác đều tiêu biến. Cùng một loài thường có dạng cánh lớn, cánh ngắn và không có cánh. Bàn chân có ba đốt. Đây là một loài bắt mồi rất quan trọng của rầy nâu, rầy lưng trắng và các loài rầy xanh hại lúa. Bọ xít mù xanh chiếm ưu thế khá lớn trong tập hợp các loài bắt mồi ăn thịt của rầy nâu. Trưởng thành và sâu non có thể xuất hiện nhiều trên ruộng có rầy phá hại, cả trên ruộng nước lẫn ruộng khô. Trưởng thành cái đẻ trứng vào mô cây, sau 2 – 3 tuần sẽ trở thành trưởng thành và có thể sinh sản 10 – 20 con non. Mỗi thiên địch một ngày ăn hết 7 – 10 trứng hoặc 1 – 5 bọ rầy (B. M. Shepard và ctv., 1987).
Xem tiếp phần 2: