Ở các chuyên đề trước, AVN đã cùng bạn tìm hiểu về kỹ thuật trồng dưa hấu vụ xuân hè cũng như một số loại nấm bệnh trên dưa hấu. Cùng với nấm hại, dưa hấu cũng là loại cây dễ bị tấn công bởi các loại sâu. Dưới đây là một số loại sâu chính thường gây hại trên dưa hấu.
1. Bọ trĩ
Đặc điểm nhận biết
Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, con trưởng thành có màu vàng nhạt hay vàng đậm, cuối bụng thon, nhọn. Bọ non có hình dạng giống như bọ trưởng thành song không có cánh, màu xanh vàng nhạt. Bọ trĩ sống tập trung chủ yếu ở ngọn non hoặc mặt dưới lá non. Bọ trưởng thành di chuyển nhanh, đẻ trứng trong mô mặt dưới lá. Chúng sinh trưởng mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có tính kháng thuốc cao nên rất khó diệt trừ.
Cách thức gây hại
Bọ trĩ gây hại trên dưa hấu bằng cách hút nhựa làm ngọn và lá non xoăn lại. Khi chúng xuất hiện với mật độ cao sẽ ngọn dưa kém phát triển, co chùn lại, lá vàng và khô đi, hoa rụng, cây không đậu quả hoặc quả không lớn.
Không chỉ hút nhựa gây hại, bọ trĩ còn là môi giới truyền bệnh khảm cho cây dưa hấu.
2. Bọ dưa
Đặc điểm nhận biết
Bọ dưa trưởng thành có cánh cứng, màu vàng nhạt to bằng hạt đậu xanh, mắt đen, râu dài rất linh động. Bọ dưa non mới nở màu trắng sữa. Nhộng màu nâu nhạt, ở dưới đất, được bao phủ bằng một kén tơ rất dày.
Cách thức gây hại
Bọ dưa trưởng thành gây hại dưa hấu bằng cách cắn cắt lớp biểu bì và phần mô diệp lục mặt trên lá thành một đường vòn. Phần bị cắt này sẽ đứt lìa khỏi lá. Nếu mật độ bọ dưa cao có thể ăn trụi hết lá lẫn ngọn non. Chúng chủ yếu cắn phá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Ngoài ra, bọ trưởng thành còn đẻ trứng vào đất, quanh gốc dưa, trứng này nở ra ấu trùng ăn rễ cây, đục vào gốc khiến cây bị vàng héo, kém phát triển, với cây non còn có thể khiến cây chết đột ngột.
Ngoài ra, các vết cắn của bọ dưa trưởng thành hoặc ấu trùng non cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm bệnh gây hại khác xâm nhập.
3. Ruồi đục lá
Đặc điểm nhận biết
Ruồi đục lá trưởng thành là loài ruồi nhỏ có màu xám đen, cánh màng trong suốt. Chúng đẻ từng quả rời rạc trên lá, trứng có màu trắng, hình bầu dục, rất nhỏ. Trứng khi nở thành dòi có màu trắng sữa đến vàng lợt, không có chân, đầu và đuôi nhọn, trong suốt, lớn lên có màu vàng.
Cách thức gây hại
Ruồi đục lá gây hại dưa hấu bằng cách dùng bộ phận đẻ trứng rạch mặt trên lá tạo nhiều lỗ và đẻ trứng vào đó. Dòi nở ra từ trứng sẽ đục thành những đường ngoằn ngoèo trên lá. Các vết thương do ruồi trưởng thành hay dòi gây hại đều khiến lá khô, cây phát triển kém, quá nhỏ.
4. Rệp
Đặc điểm nhận biết
Rệp gây hại dưa hấu dù là rệp trưởng thành và rệp non đều rất nhỏ. Chúng có màu vàng nhạt hoặc xanh đen. Rệp sống tập trung ở chồi non và ở mặt dưới lá. Chúng xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây dưa hấu, phát triển mạnh khi thời tiết khô hạn.
Cách thức gây hại
Rệp gây hại cho dưa hấu bằng cách chích hút nhựa làm cho ngọn dưa chùn lại, cây sinh trưởng kém, còi cọc. Khi mật độ rệp cao có thể làm khô lá khiến cây héo rũ, thậm chí chết. Rệp nếu chích hút vào giai đoạn cây có hoa, trái non, sẽ khiến hoa và trái dễ bị rụng khiến năng suất suy giảm nghiêm trọng.
Không những vậy, rệp còn là môi giới truyền các loại bệnh virus gây hại cho dưa hấu.
Trên đây là 4 loại sâu chính gây hại trên dưa hấu. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bà con sớm nhận biết sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ phù hợp để có mùa vụ dưa hấu bội thu.