Cây quế là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế lớn cho đồng bào vùng cao. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng khô cằn, để cây quế sinh trưởng tốt cũng là điều khó khăn. Nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện phát triển cho nhiều loài sâu bệnh hại. Trong đó, sâu đo ăn lá là loài sâu gây hại nguy hiểm.
Triệu chứng cây quế bị sâu đo gây hại
Sâu đo là loại gây hại theo đàn, đi đến đâu sẽ ăn trụi lá quế đến đó, để lại gân chính của lá khiến cây quế có hiện tượng như bị chết. Sâu đo ăn lá làm cây gặp khó khăn trong việc quang hợp, suy giảm tốc độ sinh trưởng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu bệnh hại thứ cấp xâm nhậpvà gây hại cho cây.
Sâu đo ăn lá quế thường gây hại ở những cây trồng trên sườn đồi, chân đồi. Bởi cây quế khu vực này là nguồn thức ăn dồi dào, lá xanh tốt. Khí hậu cũng nóng ẩm, là điều kiện lý tưởng để sinh sôi, nảy nở của loài sâu hại này.
Đặc điểm sinh thái của sâu đo gây hại cây quế
Ngoài triệu chứng điển hình nói trên, bà con có thể quan sát sâu hại để xác định đúng chủng loại. Sâu đo gây hại cây quế có đặc điểm sinh thái sau:
Thuộc họ sâu đo (Geometridae), bộ cánh vảy (Lepidoptera). Sâu trưởng thành có thân dài 18 – 20mm, sải cánh rộng 72 – 75mm. Cánh trước của nó có đốm vân màu xanh nhạt, giữa cánh có đốm lửa trong suốt, cánh sau màu nâu xám. Đầu sâu đo hình sợi chỉ, bụng nhọn gần về cuối.
Sâu đo hại quế mỗi năm hai lứa, mỗi lứa kéo dài tùy theo điều kiện thời tiết, chúng thích thời tiết nóng ẩm, mưa nắng đan xen như hiện nay.
Vòng đời của loài sâu này như sau: Chu kỳ trứng là 7 ngày, sâu non 29 ngày, nhộng 25 ngày. Sâu đẻ trứng ở mặt sau của lá. Mỗi con cái có thể đẻ 1.000 – 1.500 trứng. Sâu thường đẻ trên kẽ hở thân cây, kẽ lá, trứng được sắp xếp thành đám, không theo thứ tự. Sâu non hoạt động rất mạnh, chúng ăn trụi thịt lá, chỉ để lại gân và nhả tơ di chuyển theo gió.
Cách phòng trừ sâu đo gây hại cây quế
Tốc độc gây hại của sâu đo rất nhanh nên bà con cần thường xuyên thăm đồi cây để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
Để diệt trừ sâu đo gây hại trên cây quế, bà con có thể thực hiện các cách sau:
Biện pháp thủ công: Dùng biện pháp rung cây làm rơi một phần sâu xuống đất để bắt giết bằng tay; Dùng cuốc, xén, cào bới nhẹ lớp đất mặt xung quanh gốc và rộng dần ra dưới tán cây tìm bắt giết nhộng sâu.
– Sử dụng bẫy đèn: Bà con nên dùng bẫy đèn có tia UV để bẫy bướm. Đặt bẫy xung quanh tán rừng, số lượng bẫy cần căn cứ trên mật độ gây hại của sâu.
– Biện pháp sinh học: Để diệt trừ sâu đo hại lá quế, bà con nên dùng chế phẩm sinh học có hoạt chất Bacillus thuringiensis để đảm bảo cân bằng sinh thái, không gây hại cho các loài thiên địch có lợi như ong, chim…. đồng thời đảm bảo chất lượng cho vùng canh tác quế hữu cơ.
– Biện pháp hóa học: Khi mật độ sâu gây hại cao có thể sử dụng một số loại thuốc có chưa hoạt chất hóa học để phòng trừ như Emamectin benzoate để phun trừ. Hiệu quả phòng trừ khi sâu non ở giai đoạn tuổi 1 – 2, tức là thời điểm sâu mới nở sống tập trung trên lá hoặc ở kẽ thân cây.