Thay vì ra mạ rồi gieo cấy, bà con nông dân nhiều vùng thực hiện gieo sạ bằng hạt giống lúa đã được ngâm và ủ nảy mầm. Phương pháp này có ưu điểm là rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa và tiết kiệm được công cấy.
Để lúa gieo sạ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, bà con cần có kỹ thuật chăm bón phù hợp.
Lượng nước cần thiết cho ruộng lúa gieo sạ
– Lúa gieo sạ sẽ liên tục sinh trưởng từ lúc gieo giống. Do đó, chăm sóc lúa gieo sạ cần đặc biệt chú ý đến lượng nước.
– Nếu sau khi sạ xong mà gặp phải trời giông hay mưa rào, bà con nên tháo nước ngập mặt luống trước cơn mưa để tránh mưa cuốn trôi và dồn hạt giống về một chỗ.
– Sau khi đã gieo sạ lúa 2-3 ngày, bà con bắt đầu cho nước từ từ vào ruộng theo chiều cao của lúa mầm. Thường mức nước phù hợp là khoảng 3-5cm. Nếu ngập nước sẽ khiến mầm lúa bị thối, không phát triển thành cây con. Nước khô quá lại khiến hạt lúa giống chậm nảy mầm, kém phát triển.
– Khi cây con lên được khoảng 3 lá, bà con có thể để lượng nước láng chân; giúp cây con dễ phát triển.
– Khi lúa đã trưởng thành và bắt đầu đẻ nhánh, bà con cần để lượng nước để cung cấp đủ nước cho lúa và tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh.
– Tới khi lúa đã đẻ nhánh kín đất, bà con hãy tháo cạn để đất ruộng khô chân chim. Điều này nhằm mục đích cho rễ ăn sâu vào đất, gốc lúa bám chắc đất, hạn chế gãy đổ nếu gặp gió mạnh, mưa giông.
Tỉa dặm lúa sạ
Việc gieo sạ lúa không tránh được sự phân bố và sinh trưởng không đồng đều. Vì vậy, khi cây lúa được 4- 5 lá, bà con cần thực hiện tỉa dặm để ruộng lúa phát triển tốt.
Bà con cần tiến hành tỉa bớt cây ở khu vực mọc dày quá, tránh việc cây không có chỗ để đẻ nhánh, phát triển kém và dễ lây nhiễm sâu bệnh.
Với những phần cây thưa do chết hoặc cây yếu, bà con nên chắm dặm bổ sung cây để ruộng lúa phát triển đồng đều, đạt chuẩn năng suất.
Bón phân cho lúa gieo sạ
Bộ rễ của lúa gieo sạ phát triển mạnh ở lớp đất mặt nên nhu cầu dinh dưỡng cần nhiều hơn là lúa cấy. Vì vậy, bà con nên bón phân theo các kỳ như sau để cây phát triển tốt:
- Lúa có 2 lá: Thúc 3 kg đạm Urê + 3 kg kali clorua cho 1 sào Bắc bộ hay 80kg Urê + 80kg kali clorua cho 1ha.
- Lúa có 6 lá: Thúc lần 2 bằng 3 kg đạm Urê + 3 kg kali clorua cho 1 sào Bắc bộ hay 80kg Urê + 80kg kali clorua cho 1ha.
- Lúa phân hoá đòng: Bón thúc tiếp 2kg đạm Urê + 2 kg kali clorua cho 1 sào Bắc bộ hay 55kg Urê + 55kg kali clorua cho 1ha.
- Lúa trỗ báo: Bón nuôI hạt lần cuối bằng 2kg đạm Urê + 4 kg kali clorua cho 1 sào Bắc bộ hay 55kg Urê + 110kg kali clorua cho 1ha.
Các kỳ bón phân trên chỉ mang tính tham thảo, bà con cũng cần căn cứ vào vào điều kiện đất đai, giống lúa và thời gian sinh trưởng của giống để điều chỉnh cho phù hợp.
Lưu ý: Nên bón phân khi lượng nước đủ ẩm; để giữ được phân tốt hơn; chống sự rửa trôi hoặc bay hơi.
Diệt cỏ và ốc bươu vàng
Ruộng lúa sạ rất dễ bị tấn công bởi ốc bươu vàng. Do đó bà con cần có biện pháp phòng trừ ngay từ đầu. Bà con có thể dùng thuốc trừ ốc hoặc dùng các loại bẫy tự nhiên từ xơ mít, đu đủ, dây khoai lang,… đặt ở nơi nhiều ốc vào buổi tối và gom ốc lại vào sáng hôm sau.
Về cỏ dại, trước khi gieo sạ, bà con cần cày ngả sớm, ngâm kỹ diệt cỏ dại, không để ruộng mất nước. Khi xuất hiện cỏ, cần căn cứ vào loại cỏ, mật độ phân bố mà có phương pháp diệt trừ cho phù hợp.
Để hướng tới nền nông nghiệp sạch, bà con nên sử dụng chế phẩm sinh học thay vì thuốc BVTV. Việc này vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa giữ gìn được cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững