Kinh nghiệm trồng ớt chuông

Ớt chuông là loại quả chứa ít calo song giàu các vitamin tốt cho cơ thể như vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin K, folate (vitamin B9), kali, magie… Do đó, nó là thực phẩm ưa thích cho những ai cần giảm cân, muốn có chế độ ăn khoa học và lành mạnh. Hòa nhịp cùng xu thế sống khỏe ấy, người nông dân Việt Nam những năm gần đây đã đưa ớt chuông vào canh tác trên diện rộng, ớt chuông trở thành loại rau quả đem lại nguồn thu nhập kinh tế lớn.

Bài viết này, AVN xin lưu ý bà con một số điều khi trồng ớt chuông để có thể giảm thiểu rủi ro và tăng tối đa năng suất!

Thời vụ gieo trồng ớt chuông

Ớt chuông là cây trồng xứ lạnh, rất nhạy cảm với nhiệt độ nên thời điểm tốt nhất là vào mùa thu hoặc mùa xuân. Thời vụ trồng ớt được chia làm hai vụ trong năm đó là vụ Đông – Xuân và vụ Xuân – Hè.

Vụ chính là vụ Đông – Xuân, bắt đầu gieo hạt từ tháng 8 – 9, trồng vào tháng 10 – 11, thu hoạch vào tháng 1 – 2. Đây là vụ chính cho năng suất năng suất cao.

Vụ Xuân – Hè với nền nhiệt cao nên ảnh hưởng đến khả năng đậu quả, quả dễ bị thối, cho năng suất thấp hơn vụ chính song giá thành ớt thương phẩm lại cao nên bà con vẫn thực hiện canh tác.

Đặc điểm sinh thái của ớt chuông

Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp cho cây ớt chuông sinh trưởng và phát triển tốt là từ 18 – 28 độ C, nhiệt độ ban ngày dao động 25 – 28 độ C và ban đêm là 18 – 20 độ C. Đó cũng là lý do tại sao mà ớt chuông được trồng chủ yếu tại Lâm Đồng. Nhiệt độ lý tưởng để hạt ớt nảy mầm tối ưu là 21 ° C. Nếu nhiệt độ dưới 16 ° C và trên  32 ° C sẽ gây khó khăn cho cây giai đoạn thụ phấn.

Ánh sáng

Ớt chuông cần có đủ ánh nắng mặt trời để cho ra quả to, khỏe. Lượng ánh sáng trung bình cần cho cây ớt chuông là từ 4 – 6 giờ/ngày. Nếu cây thiếu ánh sáng giai đoạn ra hoa, hoa rất dễ bị rụng, giảm tỷ lệ đậu quả, dẫn đến giảm năng suất mùa vụ.

Ớt chuông là cây ưa sáng

Đất trồng

Ớt chuông sinh trưởng và phát triển tốt trên đất hơi chua – độ pH lý tưởng là 6,0 đến 7,0.

Loài cây này không ưa ẩm ướt nên nền đất trồng cần có khả năng thoát nước tốt. Đất trồng cần giàu chất hữu cơ, nhiều mùn.

Đặc biệt,không nên trồng ớt chuông ở những nơi gần đây đã trồng cà chua, khoai tây hoặc cà tím… vì dễ khiến chúng nhiễm nấm bệnh từ nền đất cũ.

Chăm sóc ớt chuông

Tưới nước

Ớt chuông là cây không chịu được ngập úng song lại cần được tưới nước nhiều, do đó, bà con cần chia nhỏ số lần tưới nước trong ngày để đảm bảo cây hấp thụ nước tốt và không bị ngập úng.

Bón phân

Cần bón phân phù hợp theo từng thời điểm

Để cây ớt chuông phát triển tốt và cho năng suất cao, bà con cần căn cứ vào điều kiện của đất nền và giai đoạn sinh trưởng của cây để bón phân với liều lượng phù hợp.

Các loại phân bón dùng cho loại cây này gồm phân NPK, phân chuồng hoai mục, và một số phân bón dinh dưỡng trung-vi lượng chuyên dùng khác.

Bà con có thể chia số lần bón phân cho ớt chuông theo các thời điểm sau:

Bón lót: Một tuần trước khi cấy ớt vào vườn, bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục, phân lân và kali để cung cấp dinh dưỡng cho đất.

Bón thúc lần 1: Bón khi cây được 10 – 12 ngày tuổi.

Bón thúc lần 2: Bón sau lần 1 khoảng 12 – 15 ngày.

Bón thúc lần 3: Bón sau lần bón thúc thứ 2 khoảng 20 ngày.

Ngoài ra, cần cung cấp thêm dinh dưỡng trung – vi lượng cho cây bằng cách phun qua lá.

Chú ý, nên giảm lượng phân đạm sau khi cây đậu trái đầu tiên để tránh việc kích thích ra lá thay vì đậu quả.

Ngoài ra trong quá trình gieo trồng, khi làm cỏ vườn nên làm nhẹ nhàng, tránh làm xáo trộn rễ cây, có thể hỗ trợ cây bằng lồng hoặc cọc để cây không bị gãy đổ.